Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tạo mọi điều kiện để xử lý dịch sốt xuất huyết

Kinhtedothi - Mặc dù, đã nhiều cố gắng trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) nhưng quận Cầu Giấy cần phải nâng cao chất lượng của đội ngũ tình nguyên viên diệt loăng quăng bọ gậy, phun thuốc... Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã yêu cầu như vậy tại buổi làm việc với quận Cầu Giấy về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn chiều ngày 19/8.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc với quận Cầu Giấy chiều 19/8

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, tính đến ngày 18/8, trên địa bàn quận đã có 1.075 trường hợp mắc SXH. Ca mắc SXH đầu tiên xảy ra vào tháng 1/2017, và rải rác tăng trong các tháng tiếp theo, tăng nhanh trong 2 tháng 6 và 7, tăng đột biến vào 2 tuần đầu tháng 8. Hiện tại, 817 ca đã khỏi, 258 ca đang được điều trị với 30 ổ dịch. Cũng theo bà Dung, đến thời điểm hiện tại, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, số trường hợp mắc SXH đã và đang có xu hướng giảm. Cụ thể, ngày 18/8, số ca mắc mới là 11 người, trong khi, ở những ngày trước đó, con số này dao động từ 25 – 30 trường hợp.

Đánh giá về công tác phòng chống SXH trên địa bàn quận Cầu Giấy, Phó Giám sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tất cả các biện pháp phải làm để xử lý dịch SXH quận Cầu Giấy đã làm, nhưng hiệu quả đem lại vẫn chưa cao. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài việc thời tiết không ủng hộ, khu vực tập trung nhiều người thuê trọ… cũng có một phần nguyên nhân đến từ công tác thực hiện của các lực lượng chức năng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh chỉ ra rằng, do mỗi tổ xung kích của quận chỉ có 2 thành viên, trong đó, phần lớn họ đều là những cựu chiến binh, phụ nữ lớn tuổi nên rất khó để yêu cầu họ liên tục đi kiểm tra từ nhà này sang nhà khác (từ 30 – 50 nhà), từ tầng này lên tầng khác trong một khoảng thời gian ngắn một cách nghiêm túc.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chia sẻ những khó khăn trong công tác xử lý dịch SXH trên địa bàn quận Cầu Giấy nói riêng và các quận, huyện khác trên địa bàn TP nói chung. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải cố gắng để xử lý được vấn đề này. Và, TP sẽ luôn đồng hành, chia sẻ những khó khăn với các quận, huyện, tạo mọi điều kiện, cơ chế để các địa phương có đủ nguồn lực để xử lý dịch SXH trong thời gian sớm nhất.

Cụ thể, đối với những khó khăn vướng mắc trong việc diệt bọ gậy, loăng quăng tại các công trường xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu quận Cầu Giấy chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng quận tham gia vào các tổ công tác để xử lý các trường hợp thiếu hợp tác. Cũng liên quan đến việc một số hộ dân thiếu hợp tác trong việc tổ chức phun thuốc trong nhà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, khi tiến hành phun thuốc, phải có lực lượng Công an phường tham gia để kịp thời cưỡng chế khi cần thiết.

Liên quan đến tình hình dịch SXH trên địa bàn quận Cầu Giấy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chỉ đạo Sở Y tế tăng cường thêm máy phun thuốc cỡ lớn cho quận Cầu Giấy. Cùng với đó, Phó Chủ tich UBND TP Hà Nội yêu cầu quận Cầu Giấy tổ chức phun thuốc theo hình thức cuốn chiếu, phấn đấu 2 ngày phun xong 1 phường. Trong đó, phải ưu tiên các địa bàn trọng điểm về dịch như: Mai Dịch, Dịch Vọng, Trung Hòa, Quan Hoa, Yên Hòa, Dịch Vọng Hậu.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, phun thuốc bằng máy phun cỡ lớn vào ban đêm có lẽ là chưa đủ, đã đến lúc cần phải phun cả ban ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe của người dân, cũng như tránh các tình huống xấu có thể phát sinh, trong quá trình thục hiện, quận Cầu Giấy nói riêng và các địa phương khác nói chung, phải tuân thủ theo các nguyên tắc: Thứ nhất, kiểm soát chặt việc pha thuốc, đảm bảo đủ liều lượng, có sự giám sát của các bên có liên quan. Thứ hai, trong quá trình phun thuốc, phải đảm bảo có sự tham gia của lực lượng Công an và Y tế. Trong đó, lực lượng Công an phải đi trước, tuyên tuyền nhắc nhở, xử lý các trường hợp chống đối; lực lượng Y tế đi phía sau để kịp thời xử lý các tình huống dị ứng với thuốc nếu có. Thứ ba, song hành với việc phun thuốc, cần phải duy trì, nâng cao chất lượng của các đội tình nguyện viên diệt bọ gậy, loăng quăng.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

16/01/2025 | 13:49

Kinhtedothi - Gần đây, số ca mắc cúm, viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, virus nhập viện tăng cao, chủ yếu là các bệnh nhi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền. Đáng nói, nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện muộn.

Tin tài trợ