Tập trung 3 nội dung phát triển giao thông vận tải đường sắt
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 265/TB-VPCP ngày 26/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.
Để đảm bảo chất lượng Đề án, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp tại cuộc họp, hoàn thiện Đề án (bao gồm Báo cáo tổng kết, dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị, dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) trên tinh thần đổi mới phương pháp tiếp cận vấn đề, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2022.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá trung thực, phân tích kỹ những tồn tại, nguyên nhân, định lượng cụ thể về những việc đã làm được, chưa làm được nhằm nêu bật kết quả việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, bên cạnh định hướng phát triển, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phải xác định thời hạn hoàn thành, cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện để tập trung bố trí nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, rõ trách nhiệm trong phát triển giao thông vận tải đường sắt thời gian tới. Trong đó, tập trung ba nội dung sau:
Về đường sắt tốc độ cao, khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước để phân tích, so sánh, thống nhất lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư xây dựng tối ưu, nhất là tốc độ và hình thức vận chuyển, lộ trình, thời gian chuẩn bị, thực hiện, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Về đường sắt đô thị, đánh giá kỹ việc triển khai đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất rõ thời hạn hoàn thành mạng đường sắt đô thị cùng với việc đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện cụ thể.
Về đường sắt kết nối cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và các đầu mối vận tải (tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Long Thành,...), nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực địa phương, tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.
Bảy điều kiện để nâng cao hiệu quả đường sắt đô thị
Kinhtedothi - Sau gần 10 tháng vận hành, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Cát Linh - Hà Đông đã đạt trên 5 triệu lượt hành khách, cho thấy tính ưu việt và phù hợp với giao thông đô thị Hà Nội.
“Siêu dự án” đường sắt cao tốc Bắc - Nam sắp thành hình
Kinhtedothi - Sau một thời gian dài nằm trên giấy, “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang đứng trước thời khắc lịch sử để có thể thành hình và được cấp “giấy khai sinh”.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tốc độ bao nhiêu là phù hợp?
Kinhtedothi - Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được xây dựng với vận tốc 350km/h hay 200km/h? Đây vẫn là câu hỏi được dư luận quan tâm.