Friday, 11:06 23/06/2017
Tập trung triển khai cải tạo cảnh quan, môi trường
Kinhtedothi - Tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2017, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã trình bày báo cáo quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Báo cáo nêu rõ, từ nay đến năm 2020, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 95 - 100%. Phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế theo công nghệ tiên tiến hiện đại. Phấn đấu thu gom 100%, xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp trong đó 100% chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế phải được thu gom, xử lý, 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, những năm qua, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bám sát chỉ đạo của T.Ư, các cấp, các ngành TP đã tăng cường tuyên truyền, chủ động triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án nhằm bảo vệ, cải tạo môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều dự án áp dụng công nghệ tiên tiến đã được quan tâm triển khai về xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải tại các làng nghề; tích cực cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các hồ trên địa bàn; đầu tư xây dựng các bãi đổ phế liệu xây dựng… Các phong trào bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp ngày càng thu hút được đông đảo tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia.Công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện Luật bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường được tăng cường. Một số vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường được tập trung chỉ đạo giải quyết có hiệu quả. Do đó, chất lượng môi trường Thủ đô Hà Nội đã có bước cải thiện, một số nơi có chuyển biến rõ rệt; các cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt hiệu quả chưa như mong đợi. Cụ thể là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước, không khí chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sinh thái của Thủ đô. Việc xử lý nước thải, rác thải tại một số khu công nghiệp, khu đô thị và khu vực nông thôn, làng nghề chưa hiệu quả; các dự án đầu tư xử lý rác thải còn chậm tiến độ; tình trạng đổ rác thải thải phế thải không đúng nơi quy định vẫn xảy ra làm mất mỹ quan đô thị. Nguyên nhân là do TP đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, quy mô đô thị mở rộng phát triển mạnh, áp lực về gia tăng dân số và các phương tiện giao thông ngày càng lớn dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng cơ sở; Hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực còn bất cập, chồng chéo trong việc phân định trách nhiệm pháp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Việc phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường chưa kịp thời, xử lý chưa nghiêm;…Để từng bước khắc phục tình trạng này, đồng thời xây dựng Thủ đô ngày một xanh, sạch, sáng đẹp, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo: Đối với chất thải rắn tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 95 - 100%. Phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế theo công nghệ tiên tiến hiện đại. Phấn đấu thu gom 100%, xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp trong đó 100% chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế phải được thu gom, xử lý, 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định.Đối với môi trường nước, sẽ tập trung xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đảm bảo dòng chảy vào mùa khô. Hoàn thành đúng tiến độ đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, tập trung xây dựng triển khai các phương án tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy. Đặc biệt, trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ phấn đấu hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý thành công tất cả các hồ nội thành bị ô nhiễm nghiêm trọng. 100% người dân ở nông thôn được dùng nước sạch, 100% số hộ có các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, 100% các khu cụm công nghiệp đang hoạt động hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, 100% các bệnh viện và trung tâm y tế do TP quản lý có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn…Đối với môi trường làng nghề, quy hoạch để đưa ra các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung. Phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường đối với số hộ có nghề có nguồn xả thải.Đối với môi trường không khí, 100% các công trường xây dựng phải được che chắn và áp dụng các biện pháp giảm bụi, 100% cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có các giải pháp bảo vệ môi trường đảm bảo quy định, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát sinh khí thải phải trang bị và hoạt động thường xuyên thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Áp dụng các công nghệ hiện đại để giảm thiểu khí thải từ các phương tiện cơ giới, xe tải, xe buýt.