Tết đến lại lo tắc đường
Kinhtedothi - Gần Tết, cùng với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, tình trạng ùn tắc, vi phạm giao thông cũng diễn biến phức tạp hơn.
Dịp này mỗi năm, UBND TP, Sở GTVT, Công an TP đều chuẩn bị kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhưng để thật sự có hiệu quả lại cần rất nhiều nỗ lực từ phía lực lượng chức năng trực tiếp trên đường.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Dương lịch 2024 và ngay sau đó là Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cứ dịp này, hằng năm Hà Nội lại chật vật với ùn tắc giao thông do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao đột biến. Bên cạnh đó, hàng loạt vi phạm cũng diễn ra dày đặc hơn, khiến áp lực giao thông càng thêm trầm trọng. Đáng kể là những hành vi như: dừng đỗ xe tùy tiện, xe khách, xe hợp đồng lê la bắt khách, gây cản trở lưu thông.
Vốn Hà Nội đã luôn phải đối diện với ùn tắc giao thông vào mọi khung giờ trong ngày, đặc biệt là tại các trục giao thông chính, các tuyến đường cửa ngõ như: Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Vành đai 3, Giải Phóng, Phạm Hùng... Dịp Tết, các cửa ngõ này lại càng dày đặc hơn lượng phương tiện ra vào TP, di chuyển hằng ngày. Mặt khác, đây cũng là những khu vực xuất hiện nhiều xe khách trá hình, xe taxi, xe khách liên tỉnh… càng giáp Tết càng tăng tần suất hoạt động và dừng, đỗ bừa bãi hơn.
Hình ảnh ô tô, xe máy xếp hàng dài trên các tuyến đường chính, giao thông hỗn loạn, xe máy chen lấn, đi lên vỉa hè gây mất an toàn giao thông…, tắc mọi ngả đường dù không phải giờ cao điểm đã trở nên quen thuộc trong những ngày giáp Tết. Cùng với đó là tình trạng xe khách các loại lê la, lôi kéo, chào mời khách, bất chấp nguy hiểm, dừng xe và đón trả khách dọc đường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các phương tiện đang tham gia giao thông mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, ùn tắc trong khu vực.
Trước nguy cơ ùn tắc đã trở thành quy luật mỗi dịp Tết, UBND TP, Sở GTVT, Công an TP Hà Nội đều đã đưa ra kế hoạch nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhưng có một thực tế là để đạt được hiệu quả như mong muốn không hề dễ dàng. Một trong những nguyên nhân chính là áp lực giao thông tăng quá cao vào cùng thời điểm, dù có huy động mọi lực lượng ra đường, việc kiểm soát hoạt động của hàng triệu phương tiện và con người vẫn vô cùng gian nan. Để dịp Tết Dương lịch 2024 và Xuân Giáp Thìn giao thông Hà Nội giảm bớt áp lực, lực lượng chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ, mới mẻ hơn nữa, nhằm triển khai một cách có hiệu quả các kế hoạch đề ra.
Hành động quyết liệt
Theo Công văn số 4192/UBND-ĐT của UBND TP Hà Nội, lực lượng CSGT và công an các cấp cần tập trung xử lý các hành vi vi phạm trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông. Chú trọng tới các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, dừng, đỗ trái phép… Các quận, huyện, thị xã chủ động có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt; nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Nhằm giảm tối đa áp lực tại bến xe trước và sau các dịp nghỉ Tết, Sở GTVT đã lên kế hoạch, yêu cầu các bến phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải khách liên tỉnh sớm bán vé đến tận tay hành khách. Ngoài ra, các đơn vị chủ động ký hợp đồng với trường đại học, cao đẳng, các khu công nghiệp, khu chế xuất... trên địa bàn TP có nhu cầu vận chuyển khách đi các tỉnh trong cả nước.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết, mỗi dịp nghỉ Tết họ thường rất vất vả để bắt xe về quê. Dù đã rút kinh nghiệm nhiều năm, đặt vé trước cả tuần, cả tháng nhưng cũng không dễ tìm được chuyến xe ưng ý. Vì vậy không ít người lựa chọn xe dù, xe khách trá hình.
Trong những ngày cao điểm, Sở GTVT cũng yêu cầu các đơn vị vận hành xe buýt, xe taxi điều động xe tăng cường, giải tỏa khách tại các bến xe khách liên tỉnh, các điểm trung chuyển, nhà ga... Các phương tiện vận tải hành khách phải niêm yết giá cước trên xe theo quy định, không tùy tiện tăng giá, phụ thu khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, việc kiểm soát trong bến chỉ là một phần nhỏ, bởi hầu hết vi phạm của xe khách đều diễn ra bên ngoài, trên những cung đường cửa ngõ Thủ đô.
Bởi vậy, đối với bến cóc, xe khách dừng, đỗ tùy tiện, CSGT, Thanh tra GTVT… cần tăng cường các hình thức ghi nhận, xử phạt nguội. Muốn có hiệu quả tức thì, phải ra thông báo và quyết định xử phạt ngay trong thời gian cao điểm giáp Tết để nâng cao hiệu quả răn đe. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã được lệnh tăng cường phân luồng, điều tiết, chống ùn tắc giao thông ngay từ thời điểm này, nhưng muốn hiệu quả hơn cần phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt các đơn vị không chuyên về điều tiết giao thông cần được tập huấn kỹ mới đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Hà Nội: Tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 2 người tử vong ngày 14/12
Kinhtedothi - Công an TP Hà Nội thông tin, trong ngày 14/12, lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý gần 400 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 2 người thương vong.
Cầu Giấy ra quân đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông
Kinhtedothi – Ngày 15/12, Ban Chỉ đạo 197 quận Cầu Giấy đã tổ chức Lễ phát động ra quân về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, PCCC dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu Xuân 2024.
Tai nạn giao thông mới nhất 15/12/2023: Hai xe ô tô đối đầu trong đêm
Kinhtedothi - Hai xe ô tô đối đầu trong đêm khiến 3 người bị thương; Xe đầu kéo tông sập taluy, lao khỏi đường cao tốc... là những tin tai nạn giao thông mới nhất hôm nay (15/12/2023).