Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tết Độc lập: Âm vang ‘Ba Đình nắng’ và nỗi khắc khoải về sự đổi thay

Với người lính từng đi qua chặng đường dài với không ít thăng - trầm trong đời sống, thấm thía những biến động của thời cuộc, cảm xúc trong ngày Tết Độc lập dần lắng sâu, chuyển thành những trăn trở.

"Mỗi dịp Quốc khánh, khi nghe lại ca khúc 'Ba Đình nắng', lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Nếu như trước đây, đó là điểm tựa tinh thần, sự khích lệ cụ thể để những người lính (như tôi) đứng vững trong cuộc chiến khốc liệt với kẻ thù thì nay, những giai điệu ấy cũng khiến ta phải suy tư. Dân tộc Việt Nam đã có một lịch sử vẻ vang. Bây giờ, cùng với niềm tự hào, thế hệ đi sau phải trả lời câu hỏi về sự 'vươn mình' của đất nước", Đại tá, nhà văn Chu Lai chia sẻ.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Ca khúc tiếp lửa
Trong kháng chiến chống Mỹ, Chu Lai là một người lính đặc công hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Ông bảo, số phận của ông nói riêng và thế hệ ông nói chung gắn với vận mệnh dân tộc từ mùa Thu cách mạng, ngày lập quốc 2/9/1945.
Nhà văn kể, những ngày còn thơ bé, mỗi dịp Quốc khánh, ông lại cùng bạn bè, người thân ùa ra những con phố, hòa mình vào dòng người kỷ niệm ngày sinh của đất nước.
"Trong niềm vui chung, những người vốn không quen mặt, cũng chẳng biết tên vẫn nồng nhiệt trao nhau những nụ cười rạng rỡ, những ánh nhìn vui sướng và những cái vẫy tay chào hân hoan. Những mái nhà hiu hắt, nghèo khó khi ấy như cũng bừng lên sức sống bởi tiếng cười nói rộn ràng của các mẹ, các chị. Họ cùng kể lại cho nhau nghe những câu chuyện, kỷ niệm về ngày 2/9/1945 ở quảng trường Ba Đình lịch sử", ông nói.
Thế nhưng, theo thời gian, với người lính từng đi qua một chặng đường dài với không ít thăng - trầm trong đời sống, trải nghiệm và thấm thía những biến động của thời cuộc ấy, cảm giác háo hức, mới mẻ của những lần đầu hòa mình vào không khí cả nước kỷ niệm ngày Quốc khánh đã dần qua đi theo thời gian. Thay vào đó, cảm xúc trong ngày Tết Độc lập dần lắng sâu, chuyển thành những trăn trở.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt vị đại tá già những câu chuyện của "ngày hôm qua". Ông kể, giữa khói lửa chiến tranh, ngày nào cũng có đồng đội ngã xuống. Những khái niệm như "giỗ", "tết" và thậm chí là "Quốc khánh" cũng nhòa đi trong bom đạn, đau thương. Trong sự khốc liệt và diễn biến bất ngờ, dồn dập nơi chiến trường, người lính không có thời gian, tâm tưởng để gặm nhấm nỗi đau. Nó ào đến, nhói lên buốt giá rồi nhanh chóng lặn sâu vào tim.
Tuy nhiên, thời kỳ ấy, mỗi dịp Quốc khánh, những người lính đều được nghe lại ca khúc "Ba Đình nắng" cùng với lời Bác đọc "Tuyên ngôn độc lập". "Khi ấy, niềm xúc động, sự tự hào lại bùng lên mạnh mẽ. Chúng tôi như được tiếp 'lửa' để vững tâm chiến đấu cho đến ngày thắng lợi cuối cùng", nhà văn Chu Lai chia sẻ.

"Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới/Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào (...) Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy là những ngành sông đỏ sóng cờ/Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại, năm cánh xòe trên năm cửa ô...", người lính đặc công năm xưa lẩm nhẩm lời ca khúc "Ba Đình nắng" của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (phổ thơ Vũ Hoàng Địch). Đôi bàn tay ông nắm chặt.

Nhà văn Chu Lai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điểm tựa để bước tiếp

Lặng đi chừng vài phút, nhà văn Chu Lai bảo, theo thời gian, mỗi dịp Thu về, âm vang giai điệu "Ba Đình nắng" lại khiến những người từng đi qua cuộc chiến như ông bừng lên một cảm xúc vừa là sự hướng vọng về những giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc được đổi bằng máu xương, sự ngã xuống của bao thế hệ cha anh vừa là sự hướng vọng về sự đổi thay, vươn mình của dân tộc.

Đây là một trong những ca khúc hiếm hoi tái hiện lại khung cảnh quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 và trong phần ca từ có trích dẫn câu nói gần gũi, thân thương của Bác trước lúc Người đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?"

Sự thay đổi nhịp điệu liên tục, tiết tấu lúc nhanh lúc chậm của "Ba Đình nắng" thể hiện niềm xúc động dâng trào trước giờ phút thiêng liêng. Cảm xúc có lúc nghẹn lại, có lúc lại như vỡ òa.

Từ việc khắc họa khung cảnh quảng trường Ba Đình trong ngày 2/9/1945, "Ba Đình nắng" ngược thời gian, dựng lại những ngày tháng hào hùng cả dân tộc vùng lên chiến đấu để giành độc lập. Trên nền ấy, hình ảnh vị Cha già của dân tộc (được khắc họa giản dị mà vĩ đại với "Bộ kaki đã bạc với gió sương/Người hiện thân sức mạnh của hòa bình") với âm vang bản "Tuyên ngôn độc lập" giữa rừng cờ hoa rợp phố thể hiện hào khí của "nguồn sống mới dạt dào"... đã làm xúc động hàng triệu trái tim Việt Nam.

Miên man trong câu chuyện, nhà văn Chu Lai bày tỏ: "Hơn bảy thập kỷ qua, cả dân tộc đã đi qua một chặng đường dài 'sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa.' Mốc son chói lọi của mùa Thu cách mạng 1945 là điểm tựa tinh thần để cả dân tộc nương vào trong suốt hành trình 'rũ bùn đứng dậy sáng lòa,' đi tới tương lai với khát vọng hòa bình. Cùng với niềm tự hào dân tộc, mỗi dịp kỷ niệm Quốc khánh cũng là lúc chúng ta phải trả lời câu hỏi về sự phát triển, đổi thay của đất nước".

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ