Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng
Kinhtedothi - Xin hỏi, chúng tôi có thể nhờ Thừa phát lại lập vi bằng về việc họp Hội đồng quản trị không? Nội dung lập trong vi bằng có bị lộ ra ngoài không? Nếu lộ ra thì Thừa phát lại chịu trách nhiệm như thế nào?
Lê Tuấn Hà (Yên Hòa, Cầu Giấy)
Trả lời
Theo khoản 8 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng như sau:
1. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ưnơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Như vậy, ngoài các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2005; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và các trường hợp quy định tại Điều 6 Nghị định 61/2009/NĐ-CP về những việc Thừa phát lại không được làm, cụ thể:
1. Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
2. Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
3. Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
4. Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Họp hội đồng quản trị là một trong số những nội dung Thừa phát lại có thể lập vi bằng. Nội dung cuộc họp được bảo mật và được ghi nhận trong Hợp đồng dịch vụ (về việc lập vi bằng), nếu vi phạm sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn