Phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền:
Tháo gỡ các “nút thắt”, để chính sách đi vào cuộc sống
Kinhtedothi - Các đại biểu HĐND TP Hà Nội nhận xét, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP phù hợp với tình hình hiện nay; tuy nhiên, cần thiết có sự phối hợp của các sở, ngành để tháo gỡ các nút thắt, để chính sách đi vào cuộc sống.
Sáng 12/9, HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu HĐND TP đã tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung: Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP và Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08 năm 2016 của HĐND TP về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn TP Hà Nội; nhóm vấn đề về kế hoạch đầu tư công của TP. Sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu HĐND TP đã tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung này.
Tạo hành lang, cơ chế pháp lý rõ về phân cấp
Thảo luận về đề án phân cấp quản lý nhà nước, ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) cho rằng, cần phải xác định điều kiện phân cấp; sau phân cấp, việc tiếp nhận và thực hiện phân cấp đấy thế nào, nhất là về vấn đề con người. Khi phân cấp về quận, huyện có đảm bảo yêu cầu không, và cần thiết phải kèm theo các điều kiện phân cấp. Khi phân cấp xong, phải phân định rõ trách nhiệm của người được phân cấp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Trong phân cấp về KT-XH, một số chuyên ngành, như tượng đài có giá trị lịch sử lớn cấp quốc gia, liệu cấp huyện, cấp xã có cáng đáng được không? Liên quan công trình con đường gốm sứ đang bị xâm hại, liên quan nhiều quận, huyện, phải phân cấp về quận, huyện nào? Có những việc chúng ta mạnh dạn phân cấp, nhưng có những việc phải có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên ngành” - ĐB Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm.
Tham gia thảo luận, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu nhận xét, liên quan vấn đề phân cấp ủy quyền, về nhân sự con người, mặc dù quận, huyện “kêu” nhưng vẫn đáp ứng được công việc, nhiệm vụ, không phải tăng thêm. Tuy nhiên, việc phân cấp ủy quyền phải tạo được hành lang, cơ chế pháp lý rõ, làm đồng bộ, không gây khó khăn trong triển khai; ngoài sự lãnh đạo toàn diện của TP, cần thiết có sự phối hợp của các sở ngành để tháo gỡ các nút thắt, để chính sách đi vào cuộc sống. Có những việc thẩm quyền, trách nhiệm của TP, có thể giao việc cho các đơn vị.
Đồng tình với việc phân cấp ủy quyền, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho rằng, để đề án đảm bảo khoa học, phải bổ sung thêm đánh giá, tổ chức thực hiện ở cấp quận, huyện. Khi phân cấp 35,5% các thủ tục hành chính cho cấp dưới, trong khâu tổ chức thực hiện, điều kiện tổ chức thực hiện ở các quận, huyện không giống nhau, TP phải có sự điều chỉnh, tạo điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất để các đơn vị thực hiện được phân cấp.
“Liên quan phân cấp ủy quyền với cải cách thủ tục hành chính, đây là điều cần thiết. Trong nội bộ cơ quan quận, huyện phải có quy trình nội bộ để giải quyết thuận lợi công việc” - Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam nêu quan điểm.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” tại quận, huyện
Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, quận Hoàng Mai có 36 dự án, có những dự án chậm muộn đến 10 năm không thực hiện được. Có dự án quận muốn làm tuyến đường cho đẹp, nhưng vướng mắc bởi phải được chủ đầu tư đồng tình, dẫn đến quận thiếu sự chủ động khi chưa được phân cấp, ủy quyền; mong TP quan tâm, tháo gỡ kịp thời.
Liên quan đầu tư công, ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) cho hay, đối với dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, phải lấy bài học ở đường sắt Cát Linh – Hà Đông làm kinh nghiệm, phải quan tâm hơn các cơ sở quy định pháp luật. Tại sao dự án kéo dài lại tăng thêm vốn, đây là phát sinh chưa có tiền lệ, trong khi đầu tư công thường ách tắc về quy định pháp lý.
Liên quan hỗ trợ lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Minh Đức nhất trí với việc hỗ trợ, động viên lực lượng cán bộ, nhân viên y tế. Theo đó, Sở Y tế trên cơ sở các quy định pháp luật, cần thiết xem xét nâng cao chính sách chế độ cho lĩnh vực y tế. Trong khi, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhất là các quận, huyện, phường, xã làm việc rất vất vả; thu nhập còn thấp, cần thiết phải có sự hỗ trợ, động viên kịp thời. Qua đó, kiểm tra, khảo sát để có sự điều chỉnh mức hỗ trợ, phụ cấp cho các cán bộ, nhân viên y tế, để đội ngũ này làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
TP Hà Nội xây dựng Đề án về phân cấp ủy quyền đảm bảo quy định pháp luật, đảm bảo năng lực của cơ quan, đơn vị được phân cấp ủy quyền, đảm bảo đúng theo định hướng của Bộ Chính trị, T.Ư về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; không thể sau phân cấp ủy quyền, biên chế lại tăng, bộ máy lại phình ra.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà
Hà Nội: Phân cấp quản lý, ủy quyền triệt để với nhiều lĩnh vực KT-XH
Kinhtedothi - Sáng nay, 12/9, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã nghe tờ trình và xem xét Dự thảo Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP; Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Hà Nội xem xét bổ sung 30.000 tỷ đồng thực hiện các dự án trọng điểm
Kinhtedothi – Sáng 12/9, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội đã xem xét Tờ trình về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và Định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP Hà Nội.
Phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền: Tháo gỡ “điểm nghẽn” tại quận, huyện
Kinhtedothi - Các đại biểu HĐND TP Hà Nội tại thảo luận tổ cho rằng, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP là nội dung đột phá của Hà Nội, rất phù hợp với tình hình hiện nay, nhằm nâng cao trách nhiệm, tính chủ động trong công việc của các địa phương.