Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến:
Tháo gỡ vướng mắc, bàn giao mặt bằng xây dựng ga ngầm S9 trong tháng 11
Kinhtedothi - Lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội cùng các đơn vị, địa phương tháo gỡ ngay những khó khăn vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công ga ngầm trên tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội trong tháng 11 tới.
Sáng 16/9, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa và sở, ngành liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn – ga Hà Nội.
Người dân đồng thuận
Báo cáo tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Cao Minh - Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đang được triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Tiến độ tổng thể dự án đạt 75,28%, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 96,8%. Kết quả giải ngân của dự án đến 31/8/2022 là 643,8 tỷ đồng, đạt 19,5% kế hoạch.
Đối với đoạn tuyến đi ngầm của dự án, ông Nguyễn Cao Minh cho hay, hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong khâu GPMB. Đặc biệt là vướng mắc về khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công trên địa bàn hai quận: Ba Đình và Đống Đa, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ nhiều năm qua.
Cụ thể, tại địa bàn hai quận nêu trên có 7 công trình nhà phải phá dỡ, 43 hộ dân phải di dời đi tạm cư trong quá trình thi công để đảm bảo an toàn. Theo hướng dẫn của Sở TN&MT, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã bàn thảo và thống nhất về cơ bản các phương án bồi thường, hỗ trợ với người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Đối với 7 công trình nhà phải phá dỡ, sẽ được bồi thường toàn bộ số tiền xây dựng lại công trình. Còn 43 hộ dân phải tạm cư đã đề xuất tự tìm nơi ở, chủ đầu tư dự án sẽ hỗ trợ mỗi gia đình 6 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Cao Minh nói: “Toàn bộ khoản tiền bồi thường hỗ trợ cho người dân đã sẵn sàng trong tài khoản của Ban. Bất cứ lúc nào người dân hoàn thành thủ tục sẽ được nhận ngay. Riêng với 43 hộ thuộc diện tạm cư, khi máy khoan ngầm đào tới đâu mới phải di dời tới đó, thời gian cụ thể phải di dời, Ban sẽ thông báo với từng hộ gia đình”.
Bí thư Quận uỷ Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, công tác GPMB gặp không ít khó khăn do 2 lần điều chỉnh chỉ giới, tuy nhiên sau quá trình vận động kiên trì, người dân đã có ý thức chấp hành rất cao. “Về cơ bản công tác GPMB đã hoàn thiện đến bước phê duyệt và nhận được sự đồng thuận của người dân” - ông Hoàng Minh Dũng Tiến nói.
Tương tự, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết: “Hiện, trên địa bàn quận còn tồn tại 27 hộ liên quan đến di dời tạm cư, phục vụ công tác thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Quận đã chốt phương án chi trả với số tiền khoảng 300 triệu đồng và sẽ thực hiện trong tháng 9”.
Sau khi đi thực tế vào khu vực dân cư chịu ảnh hưởng của dự án ĐSĐT Nhổn – ga Hà Nội, trao đổi với người dân, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định, người dân đã nhận thức được rõ đây là dự án đặc biệt quan trọng của TP, được Chính phủ và TP rất quan tâm. Đến nay, dự án đã nhận được sự đồng thuận cao của các hộ dân nằm trong diện phải di dời. Bởi vậy chúng ta càng phải nêu cao trách nhiệm, có phương án bồi thường, hỗ trợ rõ ràng, cụ thể, lắng nghe kiến nghị để người dân yên lòng.
Quyết liệt, đồng bộ
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu Ban Quản lý ĐSĐT và các đơn vị liên quan nêu rõ từng vấn đề khúc mắc để lãnh đạo UBND TP và Thành uỷ có chỉ đạo, định hướng giải quyết kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh: “Những vấn đề phát sinh tại dự án đều còn rất mới, chưa có tiền lệ, sẽ là bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện các tuyến ĐSĐT khác sau này. Các đơn vị cần mạnh dạn đưa ra phương án xử lý, nếu thận trọng, cứng nhắc quá sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung”.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu Ban Quản lý ĐSĐT, UBND quận Ba Đình và Đống Đa phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó nếu phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tình mạng, tài sản cho người dân. “Phải tháo gỡ vướng mắc khó khăn kịp thời, lường trước các tình huống có thể phát sinh, có giải pháp sẵn sàng, đảm bảo an toàn, kỷ cương, tiến độ, và cả uy tín của TP cũng như Việt Nam với nhà thầu quốc tế” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nói.
Bên cạnh đó, dù đã có sự đồng thuận cao của người dân trong việc di dời, phá dỡ công trình, tạm cư để phục vụ dự án, nhưng Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến vẫn yêu cầu chủ đầu tư, UBND hai quận: Ba Đình, Đống Đa và các sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo đúng tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án.
“Thành uỷ, UBND TP đánh giá cao trách nhiệm của hai quận: Ba Đình và Đống Đa trong công tác tuyên truyền, vận động người dân để GPMB. Các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ với địa phương và chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thành công tác” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nói và cho biết, Chính phủ cũng như Thường trực Thành uỷ rất quyết liệt trong việc này.
Để cụ thể từng bước trong công tác GPMB các ga S9, S10, dự án ĐSĐT Nhổn – ga Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu hết tháng 10, chủ đầu tư và các quận phải tiến hành xong thủ tục chi trả bồi thường hỗ trợ; trong tháng 11 tiến hành bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công.
Giao Sở Tài chính tính toán mức trượt giá chi phí xây dựng cho người dân có công trình nhà phải phá dỡ và xây lại sau này theo đúng quy định, có thời hạn rõ ràng. Giao Sở Xây dựng nghiên cứu chính sách, quy định, sớm trả lời đối với đề xuất mua nhà tái định cư của một hộ dân còn lại diện tích đất chật hẹp sau khi GPMB.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng cho hay, sau một tháng kể từ buổi làm việc, lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục có buổi kiểm tra, làm việc lại về các vấn đề này.
Đường sắt tốc độ cao dưới góc nhìn hiệu quả kinh tế
Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, vấn đề đường sắt cao tốc của Việt Nam không chỉ giải quyết bài toán vốn và dòng tiền, chuyển giao công nghệ mà phải tính đến hiệu quả khai thác.
Đường sắt giảm giá vé tàu tập thể sau cao điểm vận tải 2/9
Kinhtedothi - Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đường sắt áp dụng nhiều mức giảm giá vé tập thể trên các đoàn tàu để thu hút khách sau cao điểm vận tải 2/9.
Xử lý dứt điểm bán hàng, chụp ảnh trên đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng
Kinhtedothi - Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) vừa đề nghị UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và UBND các phường liên quan phối hợp xử lý tình trạng bán hàng, quay phim, chụp ảnh trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.