Thế giới tuần qua: “Dấu mốc lịch sử” hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên
Kinhtedothi - Việc Mỹ-Triều Tiên ấn định cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên vào tháng 5 tới và Tổng thống Trump chính thức ký sắc lệnh nâng thuế thép và nhôm nhập khẩu là những sự kiện nổi bật trong tuần.
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên sẽ có cuộc gặp lần đầu tiên vào tháng 5
Thông tin trên được ông Chung Eui-young, người đứng đầu Văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc đưa ra tại Nhà Trắng. “Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ gặp ông Kim Jong-un vào tháng 5”, ông Chung Eui-young nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau vào tháng 5. Đồng thời, ông Kim Jong-un cam kết sẽ kiềm chế các vụ thử tên lửa và hạt nhân, ông Chung Eui-young nói thêm.
Chuyến thăm Washington này của các quan chức Hàn Quốc diễn ra sau khi phái đoàn của Seoul lần đầu tiên hội kiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước đó, ngày 5/3, phái đoàn Hàn Quốc đã có cuộc gặp lần đầu tiên với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và hy vọng sẽ tạo xúc tác để Bình Nhưỡng và Washington tiếp xúc.
Seoul hy vọng chuyến thăm này sẽ tạo ra "bầu không khí tích cực", phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun nói.
Cả Triều Tiên và Mỹ đều bày tỏ thái độ sẵn sàng tổ chức các cuộc hội đàm nhưng quan điểm của Washington là Bình Nhưỡng phải chấp nhận phi hạt nhân hóa trong khi Triều Tiên bác bỏ khả năng này.
Bình Nhưỡng cũng quan ngại về cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, động thái mà nước này coi là chuẩn bị cho chiến tranh. Giới chức Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận sẽ được nối lại vào tháng tới.
Trước thông tin trên, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donal Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, coi đây là dấu mốc quan trọng trong việc làm giảm căng thẳng giữa hai nước.
Tổng thống Trump chính thức ký sắc lệnh nâng thuế thép và nhôm nhập khẩu
Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.
Theo một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, Mexico và Canada là 2 nước được miễn trừ trong sắc lệnh thuế mới đối với thép và nhôm nhập khẩu. Tuy nhiên, việc 2 nước láng giềng của Mỹ có tiếp tục được hưởng chính sách này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào tiến triển của các cuộc đàm phán về hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Bên cạnh đó, tất cả các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể thảo luận về "những cách thức thay thế" nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ.
Việc miễn thuế đối với những nước trên được coi là một động thái có thể làm dịu làn sóng đe dọa trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ và những cảnh báo về tác động nghiêm trọng đối với kinh tế từ các nhà lập pháp và các tập đoàn cũng như doanh nghiệp Mỹ.
"Một ngành công nghiệp thép và nhôm mạnh là sống còn cho an ninh quốc gia. Bạn không có thép, bạn không có đất nước", ông Trump phát biểu.
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ sẽ chính thức thông báo sắc lệnh trên trong một sự kiện ở Nhà Trắng. "Tôi có quyền tăng hoặc giảm mức thuế tùy nước. Tôi cũng có thể thêm vào hay loại bỏ các quốc gia trong danh sách giảm thuế. Tôi chỉ muốn có sự công bằng vì chúng ta đã không nhận được điều đó từ các nước khác. Nếu bạn không muốn trả tiền thuế, bạn nên chuyển nhà máy đến Mỹ", ông Trump nói.
Trước đó, hôm 1/3 vừa qua, Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với tất cả mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Các chuyên gia cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ là đòn giáng mạnh vào Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU), đồng thời có thể tạo ra các cuộc chiến thương mại mới.
Các quy định mới về thuế của chính quyền Tổng thống Trump sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới.
Phản ứng trước bước đi của Tổng thống Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ có những biện pháp "mạnh mẽ" để bảo vệ quyền lợi của mình. Các biện pháp sẽ dựa trên đánh giá những tổn thất tiềm tàng do các hành động thương mại của Washington gây ra, Bộ này ra tuyên bố trên trang web hôm nay (9/3).
Máy bay quân sự An-26 của Nga rơi ở Syria, 39 người thiệt mạng
Máy bay vận tải quân sự An-26 của Nga đã bị rơi trong khi hạ cánh tại sân bay Hmeymim ở Syria ngày 6/3 khiến 6 người trong tổ bay và 33 quân nhân khác tử vong.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, chiếc máy bay vận tải An-26 bị rơi trong khi hạ cánh tại sân bay Hmeymim ở Syria chở theo 33 hành khách cùng 6 thành viên phi hành đoàn.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Theo thông tin mới cập nhật, có 33 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay vận tải An-26 bị rơi khi đang hạ cánh tại sân bay Hmeymim của Syria. Tất cả những người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng. Toàn bộ những người này đều là quân nhân thuộc Các lực lượng vũ trang Nga".
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết thân nhân của những người tử nạn sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Truyền thông Nga dẫn phát biểu của Bộ Quốc phòng nước này Sergei Shoigu cho biết, chiếc máy bay trên bị rơi lúc 3 giờ chiều (giờ địa phương) khi đang hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại Syria, cách đường băng chỉ khoảng 500m. Toàn bộ thành viên phi hành đoàn và hành khách đều đã thiệt mạng.
Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra tuyên bố rằng, dựa trên những thông tin ban đầu, nguyên nhân xảy ra vụ việc có thể là do lỗi kỹ thuật. Theo báo cáo từ hiện trường, không có tác động của lửa đối với máy bay.
Trước đó, Bộ này thông báo, theo số liệu sơ bộ, trên máy bay có 26 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, tất cả đều thiệt mạng. Đồng thời lưu ý rằng, nguyên nhân vụ tai nạn, theo dữ liệu sơ bộ, có thể là sự cố kỹ thuật.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn tới gia đình của các nạn nhân trong vụ rơi máy bay quân sự An-26. Bộ Quốc Phòng Nga đang trợ giúp cần thiết cho thân nhân của những người thiệt mạng.
Uỷ ban điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về vụ việc xảy ra theo điều 351 của Bộ luật hình sự Nga. Một nhóm điều tra đã được thành lập để điều tra vụ việc.
Máy bay Antonov An-26 là một loại phi cơ hai động cơ phản lực được thiết kế với vai trò vận tải chiến lược và được Liên Xô chế tạo từ thập niên 1960. Hiện trên thế giới có khoảng 450 chiếc đang được sử dụng và phần lớn trong số này đều thuộc quyền sở hữu của quân đội Nga.