Monday, 11:56 24/10/2016
Thêm động lực cho cổ phần hóa
Kinhtedothi - Đổi mới, cổ phần hóa (CPH) DN Nhà nước (DNNN) đã có thêm động lực mới quan trọng.
Đó là những DNNN thực hiện CPH cũng cần có phương án thoái vốn để cắt lỗ những trường hợp đầu tư ngoài ngành. Đồng thời, khẩn trương ưu tiên CPH và thoái vốn ở các DNNN kinh doanh có hiệu quả; tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược, mua cổ phần với giá cao nhất và có khả năng phát huy được lợi thế, giá trị thương hiệu của DNNN…Thoái vốn nhiều lĩnh vực vẫn chậmTính đến hết năm 2015, cả nước đã CPH 478 DN, hoàn thành 93% kế hoạch cả giai đoạn 2011 – 2015. Trong 8 tháng năm 2016, thêm 48 DNNN (với tổng giá trị thực tế là 31.905 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 23.280 tỷ đồng) đã được phê duyệt phương án CPH. Quá trình thoái vốn Nhà nước cũng được thúc đẩy.
Tính đến hết năm 2015, Nhà nước đã thoái vốn được 9.924 tỷ đồng, thu về 15.004 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong 8 tháng năm 2016, đã thoái được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng. Trong đó, thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư). Riêng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán 1.277 tỷ đồng vốn Nhà nước, thu về 3.374 tỷ đồng. Tổng cộng, đến nay, cả nước đã thoái vốn thu về trên 21.000 tỷ đồng, đạt gần 1,4 lần giá trị đầu tư. Việc thoái vốn của DNNN đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính - ngân hàng được 613 tỷ đồng và thu về 622 tỷ đồng, khá ít ỏi so với hàng chục ngàn tỷ đồng mà các DNNN đang đầu tư vào các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, tiến độ CPH DNNN và thoái vốn 8 tháng qua còn chưa đạt được như kỳ vọng do có sự trì trệ của thị trường; do tính phức tạp của CPH các DNNN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý; cũng như cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị…Quyết liệt nhưng tránh làm bằng mọi giáThực tế cho thấy, số lượng DNNN trong diện CPH đến nay không còn nhiều, tập trung vào các DN lớn. Vấn đề quan trọng hiện tại là thực hiện CPH cần thận trọng, tránh làm bằng mọi giá, tránh thất thoát tài sản công thông qua định giá sai và bị méo mó do lợi ích nhóm; Nâng cao hiệu quả quản trị DN sau CPH. Nguồn thu từ thoái vốn của DNNN cần được sử dụng tái đầu tư cho các DNNN còn lại và đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội (phát triển y tế, xây dựng nông thôn, chống biến đổi khí hậu...).
Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả CPH DNNN trong thời gian tới, cần đôn đốc trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu yêu cầu thực hiện đúng quy định và lộ trình CPH; bổ sung các chế tài đối với các DNNN đã CPH, nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán; hoàn thiện cách thức xác định lợi thế vị trí địa lý đất trong xác định giá trị DNNN CPH…Cần nhấn mạnh rằng, việc thoái vốn trong 12 tổng công ty của Nhà nước, với các thương hiệu lớn của Việt Nam như Vinamilk, Sabeco…, phải quyết liệt, nhưng có kế hoạch và trật tự, theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, chào bán công khai trên thị trường để đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng CPH trá hình thông qua sử dụng chính vốn của Nhà nước để mua lại phần vốn của Nhà nước tại DN thực hiện CPH; Ngăn chặn sự cố tình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược một cách hình thức; Bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, có lộ trình phù hợp đảm bảo sự phát triển của DN và ổn định thị trường bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Trước mắt, SCIC sẽ vẫn là đầu mối thống nhất thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DNNN, bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty sau CPH với nguyên tắc kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước...
Theo rà soát của Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2016 - 2020 có 184 DNNN do Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn và 194 DNNN còn lại thuộc diện CPH. Mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% số lượng DNNN tại thời điểm năm 2015; Bảo đảm sự linh hoạt trong CPH, thoái vốn, giảm tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại các DN quốc phòng, an ninh; Cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư; nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh của DNNN thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập. |