Theo dòng thể thao: Khi thầy đi học
Hôm qua, một loạt HLV bóng đá danh tiếng đã lên đường sang Hàn Quốc tu nghiệp trong khoảng thời gian một tháng.
Lần đầu tiên, các nhà cầm quân ở Việt Nam ra nước ngoài du học có số lượng đông và nằm trong một kế hoạch dài hạn đến vậy.
Cuối năm 2015, hơn 20 HLV đang dẫn dắt các đội bóng hạng Nhất, V.League và đội tuyển đã được bố trí tham dự lớp HLV chuyên sâu do FIFA tổ chức. Khóa học này kéo dài trong 2 năm với nhiều chương trình đào tạo. Đầu tiên là học tại Việt Nam và giờ, các nhà cầm quân được đưa sang Hàn Quốc đào tạo. Trước khi kết thúc khóa học, các ông thầy của làng bóng đá Việt có thể được đưa sang châu Âu bồi dưỡng kiến thức.
Hàng loạt HLV tên tuổi ra nước ngoài tu nghiệp với một chi phí không hề nhỏ, bóng đá Việt Nam đang cố gắng thoát ra khỏi cái ốc đảo về tư duy quản lý và điều hành. Lâu nay, các HLV dù là nổi danh cỡ nào cũng thường huấn luyện bằng kinh nghiệm. Kinh nghiệm ấy đến từ vài chục năm trước khi họ được các ông thầy truyền thụ, và nay lại được họ dạy cho các học trò. Vì thế, người ta mới nói rằng, khoảng cách giữa các HLV không đến từ kiến thức, triết lý bóng đá, mà chính là có quản được quân hay không.
Giờ thì khác, các HLV Việt Nam đứng trước áp lực phải tự hoàn thiện kiến thức của mình. Việc tiếp xúc một cách thường xuyên với HLV ngoại, cầu thủ ngoại giúp họ bổ túc thêm phương pháp huấn luyện và triết lý bóng đá mới. Nhưng, những kiến thức đó chỉ là vụn vặt và không được hệ thống hóa thành giáo án huấn luyện. Thế nên, luôn có khoảng cách rất xa giữa HLV nội và ngoại. Dễ nhìn thấy nhất chính là việc, các bài tập của thầy ngoại sinh động và lôi cuốn cầu thủ hơn những bài tập mang hơi hướng kinh nghiệm chủ nghĩa của các ông thầy nội.
Thầy ta đi học ở Tây. Sự kiện ấy mở ra một hướng buộc phải đi của nền bóng đá trong một thế giới phẳng là bạn không thể thành công với sự bảo thủ một cách tuyệt đối. Bóng đá Việt Nam muốn hội nhập thì điều đầu tiên cần phải làm là xây dựng những con người của bóng đá phải thật gần với thế giới phát triển.