Friday, 09:40 07/10/2016
Thiếu đơn hàng, dệt may lao đao
Kinhtedothi - Trong 10 năm trở lại đây, chưa khi nào ngành dệt may lại có mức tăng trưởng thấp nhất như hiện nay, khiến chỉ tiêu xuất khẩu (XK) năm 2016 giảm xuống chỉ còn 29 tỷ USD.
Nguyên nhân là do cơ chế chính sách điều chỉnh chưa phù hợp với tình hình chung, dẫn đến các sản phẩm dệt may có giá thành tăng cao hơn nên đơn hàng gia công XK bị chuyển sang các nước khác.
Ông Nguyễn Đình Lập - Giám đốc Công ty Trường Phúc (Hưng Yên): Công nghiệp phụ trợ cần những hỗ trợ cụ thểLà DN chuyên sản xuất gia công hàng may mặc XK, Công ty Trường Phúc hiện tại cũng đang gặp nhiều khó khăn chung với các DN dệt may về đơn hàng. Bên cạnh đó, do đa số các DN may mặc ở Việt Nam chỉ làm gia công nên phụ thuộc rất lớn vào các đơn hàng từ nước ngoài.Đa phần lao động ngành dệt may có trình độ thấp, hoặc chưa có tay nghề. Muốn giữ được uy tín, đòi hỏi DN phải xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó để đảm bảo những yêu cầu của khách hàng… Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên xem xét hỗ trợ cụ thể như giảm bớt các thủ tục xuất nhập khẩu, hỗ trợ chi phí đào tạo công nhân không nghề cho các DN, khuyến khích hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như dệt vải, chỉ may, khóa, nhãn, từ đó mới nâng sức cạnh tranh cho các DN dệt may trong nước.
Bà Đinh Kim Huế - Giám đốc Công ty May Thành Phú: Điều chỉnh chính sách cho
phù hợpThời gian qua, không chỉ ngành may mặc, mà hầu hết các DN trong nước đều rất khó khăn, thiếu đầu ra cho sản phẩm. Công ty May Thành Phú là một DN may mặc vừa và nhỏ nên cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu đơn hàng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do sức ép cạnh tranh về đơn hàng, sức tiêu thụ trên thị trường giảm. Trong khi đó, việc tiệm cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh không dễ dàng, lãi suất ngân hàng lại giữ ở mức cao 8 - 10%/năm làm tăng chi phí sử dụng vốn của DN.Nhằm khắc phục những bất cập này, DN xác định tập trung cải tiến năng suất lao động để có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn, cũng như tái cấu trúc mô hình sản xuất, phương thức XK. Tuy nhiên, Công ty May Thành Phú cũng rất mong Nhà nước sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế để kịp thời hỗ trợ cho các DN dệt may, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm: Nên quy hoạch lại ngành dệt may
Phải khẳng định rằng, ngành dệt may đang gặp khó khăn hơn trước rất nhiều, bởi thiếu đơn hàng. Thời điểm này, đơn hàng của Công ty CP May Hồ Gươm giảm 10% so với đầu năm. Nguyên nhân trước nhất là do DN nước ngoài đang đẩy mạnh mở các nhà máy với quy mô lớn để đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, dẫn đến việc DN dệt may Việt Nam thiếu hụt đơn hàng. Thứ hai, tiền lương lao động tại Việt Nam và các chi phí bảo hiểm xã hội, vận tải tăng cao, trong khi các đối thủ cạnh tranh trong khu vực châu Á như Banglades, Pakistan, Myanmar… vẫn giữ nguyên. Chi phí tăng cao nên DN nước ngoài giảm bớt đơn hàng dệt may gia công từ Việt Nam, chuyển sang các nước khác…Đồng thời, bảo hiểm xã hội hiện đang quá cao, chiếm đến 22% lợi nhuận của DN, trong khi DN may sử dụng rất nhiều lao động nên tỷ lệ chi lương cho lao động lên tới 60 - 70% doanh thu. Bên cạnh đó, chi phí điện, đặc biệt là chi phí vận chuyển tăng cao sau khi đưa các trạm thu phí BOT vào vận hành là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm tăng giá thành. Bất cập nữa là sự không công bằng khi các DN nước ngoài được vay vốn ưu đãi tại Việt Nam, trong khi DN trong nước phải vay vốn với lãi suất 8 - 9%/năm.Do đó, tôi cho rằng, Nhà nước nên quy hoạch lại ngành may theo hướng hạn chế DN nước ngoài mở nhà máy may, nhưng ưu tiên mở các nhà máy dệt nhuộm. Bởi, một trong những nguyên tắc cơ bản được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là phải có xuất xứ từ sợi (Việt Nam lại rất có thế mạnh khi đang là nước XK, nhưng lại yếu về khâu dệt). Nếu phát triển được lĩnh vực dệt nhuộm, lúc đó DN sẽ chủ động hơn về nguồn nguyên liệu và sẽ đảm bảo đúng quy luật phát triển của thị trường.
Tags