Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

[Thông điệp từ lịch sử] Nguyễn Chích, từ thủ lĩnh khởi nghĩa đến nhà chiến lược tài ba

Kinhtedothi - Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có nhiều tướng lĩnh xuất thân là dân nghèo nhưng đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc, trở thành những tướng lĩnh tài ba của Lê Lợi.

Nguyễn Chích là một trong số đó. Sáng kiến chuyển hướng chiến lược của ông đã góp phần quyết định xoay chuyển tình thế và đưa cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi cuối cùng.
Tiên phong khởi nghĩa, tự nguyện dưới quyền

Nguyễn Chích (1382 - 1448), theo Đại Việt sử ký toàn thư, quê ở Đông Ninh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở Đông Hòa (Đông Sơn, TH), dòng họ này là hậu duệ của một tôn thất nhà Lý, chạy “Loạn Tam Vương” năm Mậu Thìn (1028), vào Thanh Hóa rồi cải sang họ Nguyễn.

Nguyễn Chích xuất thân trong một gia đình nông dân và ông sớm mồ côi, phải đi ở làm nghề chăn trâu.
 Danh tướng Nguyễn Chích - tranh minh họa trên báo Bình Phước online.
Năm Bính Tuất (1406), giặc Minh sang cướp nước ta. Nhà Hồ không được lòng dân nên sớm bại trận. Nhân dân Đại Việt đứng liên tiếp đứng lên khởi nghĩa nhưng yếu thế nên đều thất bại. Cả đất nước lầm than trước ách áp bức khốc liệt của nhà Minh. Sau khi kháng chiến của vua Trần Quý Khoáng thất bại (1413), khoảng năm 1415, Nguyễn Chích đã chiêu mộ quân sĩ, đứng lên khởi nghĩa. Căn cứ đầu tiên của ông ở Vạn Lộc (Đông Sơn). Từ Vạn Lộc, nghĩa quân đánh ra các vùng xung quanh, cả huyện Đông Sơn quân Minh không dám đến cướp phá.

Sau một thời gian ở Vạn Lộc, lực lượng phát triển, Nguyễn Chích liền tiến quân đánh chiếm Hoàng Sơn - Nghiêu Sơn là là các dãy núi đá nằm giáp giới ba huyện Nông Cống, Đông Sơn và Quảng Xương. Dựa vào địa hình có vách núi dựng đứng và sông Hoàng chảy qua, nghĩa quân xây đá nối các ngọn núi với nhau, tạo thành một thành lũy vững chắc, công thủ đều lợi hại. Từ căn cứ này, Nguyễn Chích mở rộng phạm vi hoạt động ra vùng lân cận. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Hiệu lệnh của ông được thi hành ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống và Ngọc Sơn".

Năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi phát động khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi sai người đưa thư liên kết với Nguyễn Chích. Nguyễn Chích đồng ý về theo Lê Lợi, tôn phù Lê Lợi là minh chủ và coi cuộc khởi nghĩa của mình là một bộ phận của khởi nghĩa Lam Sơn, tự nguyện chấp nhận sự chỉ huy chung của Lê Lợi. Nguyễn Chích đã yết kiến Lê Lợi nhưng thời gian đầu vẫn đóng quân ở Hoàng Nghiêu và phối hợp hoạt động với đại quân Lam Sơn. Sau trận thắng Cổ Vô, đánh tan Lương Nhữ Hốt, giải phóng cả vùng Đông Sơn, Lê Lợi phong cho Nguyễn Chích chức Vinh lộc đại phu Lân hổ vệ tướng quân; sau đó lại phong tiếp là Đô đốc đại phủ quản tổng đốc quân dân, tước Quan nội hầu.

Năm Canh Tý (1420), khi Lê Lợi đóng quân ở Mường Nanh, Nguyễn Chích đem toàn bộ lực lượng của mình hội với quân Lam Sơn. Nguyễn Chích được giữ chức Thiết đột hữu vệ đồng tổng đốc chư quân sự, chỉ huy một đạo quân xung kích quan trọng của đội quân Lam Sơn. Từ đó cho đến năm Quý Mão (1423), Nguyễn Chích tham gia nhiều trận đánh quan trọng, “xông pha nơi lửa đạn, liều chết không quản mình” (Văn bia Quốc triều tá mệnh công thần), lập nhiều chiến công và được thăng chức Nhập nội thiếu úy, là chức tướng lĩnh cao cấp của nghĩa quân Lam Sơn.

Vậy là từ thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hoàng Nghiêu, do có tầm nhìn xa, tiên đoán được thế sự, biết rõ thực lực của khởi nghĩa Lam Sơn và tài năng lãnh đạo của Lê Lợi, biết đặt lợi ích toàn cục của công cuộc chống giặc cứu nước, ông đã nhận lời liên kết và tự nguyện sát vai cùng Lê Lợi.

Viễn kiến chiến lược, xoay chuyển cục diện cuộc chiến

Thời kỳ đầu, nghĩa quân chủ yếu hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa, quân ít, lương thiếu nên thắng ít thua nhiều, bị quân Minh cùng với quân Ai Lao và các tù trưởng miền núi vây đánh nhiều trận, 3 lần phải rút chạy lên núi Chí Linh và một lần cố thủ ở Sách Khôi.

Năm Nhâm Dần (1422), Lê Lợi chủ động giảng hòa chờ thời cơ. Năm Quý Mão (1423), khi thực lực được củng cố, nghĩa quân Lam Sơn lại tiếp tục cuộc chiến nhưng vẫn khó khăn nhiều mặt, nhất là định hướng chiến trường phát triển cuộc khởi nghĩa. Nếu chỉ đứng chân ở vùng rừng núi Thanh Hóa thì cuộc khởi nghĩa không phát triển được, trước sau cũng bị quân Minh tấn công tiêu diệt. Tiến về đồng bằng Thanh Hóa thì lực lượng quân Minh dày đặc, lại gần Tây Đô và Đông Quan là các căn cứ lớn của địch.

Trước tình thế đó, Lê Lợi đã họp bàn bộ chỉ huy nhằm tìm hướng thoát ra khỏi bế tắc để tạo thế và lực phát triển cuộc khởi nghĩa.

Nhờ am hiểu nhiều về vùng Thanh - Nghệ, nắm rõ thế - lực của hai bên, với tầm nhìn sáng suốt, tướng Nguyễn Chích đã hiến kế: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông… Nay ta trước hãy đánh lấy đất Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra Đông Đô, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ” (Cương mục).

Nghệ An, sau kháng chiến của nhà Hậu Trần, đã bị quân Minh bình định nhưng chúng chưa kịp hoàn thiện bộ máy kìm kẹp như từ Thanh Hóa trở ra. Phía nam, vùng Châu Hóa, lực lượng của chúng cũng mỏng hơn. Nghệ An lại xa Tây Đô và Đông Quan, khả năng tiếp ứng của địch hạn chế hơn. Hơn nữa, nhân dân Nghệ An có truyền thống đấu tranh kiên cường, đang căm thù giặc cao độ vì bị đàn áp sau cuộc kháng chiến của Trần Quý Khoáng.

Kế hoạch chuyển hướng chiến lược của Nguyễn Chích được Lê Lợi và bộ chỉ huy Lam Sơn chấp thuận. Ngày 20 tháng Chín năm Giáp Thìn (1424), nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công đồn Đa Căng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để khai thông đường vào Nghệ An. Trên đường tiến vào Trà Lân, nghĩa quân tiếp tục đánh thắng ở trang Trịnh Sơn (nay thuộc xã Thạch Ngàn - Con Cuông) - tiền đồn phía Đông Bắc của thành Trà Lân/Long. Tháng 10, nghĩa quân bắt đầu bao vây thành Trà Lân đồng thời chốt chặn phòng địch từ thành Nghệ An và Diễn Châu lên ứng cứu. Sau hai tháng bị vây hãm, lại không có viện binh, Cầm Bành và toàn bộ quân lính phải mở thành đầu hàng. Cả một vùng rộng lớn ở miền Tây Nghệ An được giải phóng, nhân dân hồ hởi hưởng ứng.

Mùa xuân năm Ất Tỵ (1425), địch tập trung lực lượng từ Đông Quan và thành Nghệ An phản công hòng lấy lại thành Trà Lân. Đại quân ta lập trận địa phục kích ở Khả Lưu, Bồ Ải - những vị trí hiểm yếu trên đường lên thành Trà Lân. Thắng lớn trận này, nghĩa quân khai thông đường tiến xuống đồng bằng Nghệ An. Giặc Minh lâm vào thế bị động, phải “đóng giữ cửa thành bền chặt”.

Nghĩa quân tiến xuống bao vây thành Nghệ An và tiến sang Đỗ Gia (Hương Sơn) xây dựng căn cứ địa ở Động Tiên Hoa/ Đãng Phủ - vùng ngã ba sông Khuất (hói Nầm) và Ngàn Phố. Tại đây, nghĩa quân được nhân dân nghênh đón, ủng hộ sức người sức của.

Ngày 27 tháng Tư năm Ất Tỵ (14/5/1425), quân ta lập trận địa phục kích tiêu diệt gần hết quân địch ở thành Nghệ An và quân tăng viện từ Đông Quan phản kích lên căn cứ Đỗ Gia.

Sau chiến thắng Đỗ Gia, nghĩa quân chuyển đại bản doanh về Thành Lục Niên trên núi Thiên Nhận (Thiên Nhẫn). Đến đây, trừ hai thành đang bị bao vây cô lập, toàn bộ Nghệ An, Diễn Châu được giải phóng. Nghĩa quân thừa thắng tiến ra giải phóng Thanh Hóa, tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa.

Tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), quân Lam Sơn tấn công ra Bắc. Cuối năm Đinh Mùi (1427), với trận thắng Chi Lăng - Xương Giang, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống nhà Minh kết thúc.

Năm Mậu Thân (1428), vương triều Hậu Lê được thiết lập.

Năm Kỷ Dậu (1429), Nguyễn Chích được phong tước Đình thượng hầu, được ban quốc tính.

Năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tông nối ngôi Thái Tổ. Lê Chích được phục chức làm Đồng tổng quản châu Hóa, trấn thủ Thát Ải. Tại đây, ông đã hai lần đánh thắng quân Chiêm Thành ra cướp phá và hai lần đi đánh Chiêm Thành, được phong tước Đình hầu.

Tháng chạp năm Mậu Thìn (1448), Nguyễn Chích mất, thọ 67 tuổi. Lê Nhân Tông truy tặng ông làm Nhập nội tư không bình chương sự, Hiến quốc công, thuỵ hiệu là Trinh Vũ.

Thời Nguyễn, Gia Long liệt ông vào làm bậc công thần khai quốc nhà Lê.

Từ trước đến nay, các sử gia đều tôn vinh là vị tướng - chiến lược gia xuất sắc bậc nhất của nghĩa quân Lam Sơn.
Từ thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hoàng Nghiêu, Nguyễn Chích do có tầm nhìn xa, tiên đoán được thế sự, biết rõ thực lực của khởi nghĩa Lam Sơn và tài năng lãnh đạo của Lê Lợi, biết đặt lợi ích toàn cục của công cuộc chống giặc cứu nước, nên  đã nhận lời liên kết và tự nguyện sát vai cùng Lê Lợi.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ