Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

[Thông điệp từ lịch sử] Nguyễn Công Trứ - phải có danh gì với núi sông

Kinhtedothi - Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có nhiều danh nhân và nhân cách văn hóa mẫu mực, Nguyễn Công Trứ sớm tạo cho mình một thế đứng, một thái độ sống và cách thức nhìn đời đầy tự tin, "thuở nhỏ phóng túng, không câu nệ, có khí tiết" (Đại Nam chính biên liệt truyện - Quốc sử quán triều Nguyễn).

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859), tên tục là Củng, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, quê làng Uy Viễn (nay thuộc địa phận xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Vốn là người thông minh, hiếu học song sau nhiều lần thi trượt, phải đến năm Kỷ Mão (1819), khi đã ngoài bốn mươi tuổi, ông mới thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan.
Con người tài năng lỗi lạc
Nguyễn Công Trứ là con người lắm tài, nhiều tật. Cái tài của ông bộc lộ qua việc ông được thăng thưởng, trọng dùng, từng trị nhậm khắp vùng Hải Dương - Quảng Yên, Sơn - Hưng - Tuyên cho đến xứ An Giang - Hà Tiên, từng góp công khai khẩn đất hoang hóa ở các vùng Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Yên...; hoặc có khi làm việc ở Quốc sử quán và chủ khảo trường thi, có khi lại làm việc ở Bộ Binh, Bộ Hình và trực tiếp tham gia chiến trận.
Còn cái "tật" thực chất chính là tài năng, bản lĩnh và cốt cách con người ông có nhiều mặt không chịu dung hòa với quy phạm lễ giáo phong kiến, thường xuyên tiềm tàng vượt lên "vòng cương toả", "vòng danh lợi"...
 Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ - Kim Sơn, Ninh Bình.
Cái việc từng được thăng thưởng đến chức Tổng đốc, Tham tri, rồi có lúc lại bị "trảm giam hậu" và bị cách chức, bắt làm lính thú lên trấn ở biên thùy Quảng Ngãi; qua hai mươi tám năm làm quan bị giáng chức và cách chức tới năm lần đủ thấy bản lĩnh con người cá nhân Nguyễn Công Trứ cao cường đến như thế nào!
Nguyễn Công Trứ là người đam mê nhập cuộc, sống hết mình với phận vị, công việc. Ông nhiệt thành dấn thân bằng hành động, bằng kinh nghiệm trường đời và kết quả cụ thể chứ không phải ở sự thuyết lý tư tưởng và lời tụng ca thánh đế, vương triều chung chung. Thậm chí có thể nói ông đã tạo lập những cách hình dung mới về "chí nam nhi" - những con người của thời đại mới biết tự tin đánh cược sự nghiệp vào chính tài năng của bản thân mình.
Đặt trong chiều hướng phát triển chung của trào lưu nhân đạo đương thời càng thấy rõ Nguyễn Công Trứ không chịu sống khép mình trong quy phạm nghĩa vụ, chức năng, phận vị mà đã vươn tới ý thức sâu sắc về cá nhân, về quyền được bày tỏ chí hướng và ca vui giữa cuộc đời trần thế. Tất cả những điều đó tạo nên hình ảnh một Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng, thị tài và đa tình, vừa sắc nét vừa đa diện.
Danh là thước đo hành động
Với ông, cái danh không phải là thứ để trang trí và cũng không quá bận tâm về chuyện danh phận, danh lợi và cũng không cần cân đo, biện thuyết nhiều về sự "chính danh", "danh chính ngôn thuận". Bởi lẽ nếu ông biết cân nhắc, tính toán lợi hại theo lẽ phải thông thường thì đã không đi chệch qũy đạo quan phương, không bị giáng chức, trách cứ, dồn đẩy nhiều đến thế...
Với ông, chữ danh thực chất là thước đo tài năng và chí hướng hành động, khả năng dấn thân, nhập cuộc và đó mới là điều quan trọng nhất. Nhưng muốn có danh, muốn nhập cuộc thì trước hết phải có tài. Mà Nguyễn Công Trứ thì thừa tài! Người có tài thì có chí hướng, chí nguyện. Ngay từ khi còn chưa đỗ đạt, Nguyễn Công Trứ đã tỏ rõ chí hướng trong "Tự vịnh đi thi": Đã không há lẽ trở về không/Cái nợ cầm thư phải trả xong/Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt/Đà đem thân thế hẹn tang bồng/Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông/Trong cuộc trần ai, ai dễ biết/Rồi ra mới biết mặt anh hùng.
Ngay ở quan niệm về "cái nghèo" của Nguyễn Công Trứ cũng thể hiện ông có cái nhìn khác người. Khác với những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đây thường gắn cái nghèo với đạo lý, phẩm chất thanh sạch, lối sống thanh cao; và cũng có phần khác Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương sau này thường chịu trận trong cái nghèo, hòa nhập với cái nghèo, bỡn cợt "vị nghệ thuật" với cái nghèo thì Nguyễn Công Trứ lại nhấn mạnh cái nghèo của nhà nho, cái nghèo có chí hướng và tâm thức mở đường, "vượt thoát" cái nghèo, đọc "Vịnh cảnh nghèo": Số khá, bĩ rồi thời lại thái/Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân/Trời đâu riêng khó cho ta mãi/Vinh nhục dù ai cũng một lần.

Ngay đến bài Hàn nho phong vị phú được coi là đỉnh cao của dòng thơ viết về cái nghèo và cũng là một đỉnh cao nghệ thuật phú Nôm thì ngoài việc tả thực muôn mặt cái nghèo, hài hước hóa cái nghèo, Nguyễn Công Trứ vẫn soi gương kim cổ mà an ủi, đối sánh, kỳ vọng được như những danh nhân quán quân nghèo với tên tuổi những Phó Duyệt, Bách Lý Hề, Hàn Tín, Trần Bình, Chu Mãi Thần...
Tuy nhiên, vẫn có thể khẳng định rằng cái cách ông nhìn đời và than nghèo không phải là sự cùng cực bần hàn mà chính là tâm sự của bậc quan sang, quyền thế, "có một bà chính thất họ Đặng, 12 người vợ lẽ, có 12 người con trai và 14 người con gái". Trên tổng thể, ông vờ chấp nhận một thực tại bất như ý, giả đò chấp nhận làm kẻ bề trên bất phùng thời, thậm chí là bậc "quân tử", người "anh hùng", kẻ sĩ cùng đường mạt vận, xem bài "Tự thuật I": ... Mang danh tài sắc cho nên nợ/Quen thói phong lưu hoá phải vay/Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt/Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.
Trên tất cả, ông khẳng định con đường công danh, ý thức giá trị cuộc sống làm người phải gắn với công danh qua nhan đề các bài thơ giàu sắc thái biểu cảm như Quân tử cố cùng, Đường công danh, Nợ công danh, Nợ nam nhi, Nợ tang bồng, Chí Nam nhi...
Bao nhiêu kiếp con người thường than nỗi nợ tiền, nợ gạo, riêng ông lo gánh nợ công danh, nợ chí nam nhi tang bồng hồ thỉ! Ông luôn ý thức mình là kẻ "Muộn thành đạt" nên càng nung nấu khát vọng công danh, phổ quát hóa thành đích đến của muôn người: Tang bồng là cái nợ/Làm tài trai chi sợ áng công danh.
Chí làm trai
Trong suốt cuộc đời dấn thân hành đạo, Nguyễn Công Trứ thường xuyên ý thức về chí làm trai, việc lập công danh và tự khẳng định sức mạnh con người cá nhân: Làm cho rõ tu mi nam tử/Trong vũ trụ đã đành phận sự/Phải có danh gì với núi sông (Chí nam nhi); hay: Cũng có lúc mưa tuôn sóng vỗ/Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong/Chí những toan xẻ núi lấp sông/Làm nên tiếng anh hùng đâu đây tỏ (Chí làm trai).
Rõ ràng ở đây Nguyễn Công Trứ đã vượt lên cuộc đời thường và đặt nguyện ước trong tương quan với thế giới tự nhiên, vũ trụ, núi sông; với sức mạnh của những "mưa tuôn sóng vỗ", "cuồng phong", "xẻ núi lấp sông"... Cách sống có phần quyết liệt, cách cảm nhận có phần bộc trực, cách nói có phần khoa trương - dường như đó cũng là khí chất con người miền Trung "địa linh nhân kiệt" - in rõ dấu ấn rõ nét trong cá tính và chất giọng thơ ca Nguyễn Công Trứ, khiến ông trở thành nhân vật tiêu biểu nhất cho kiểu nhà Nho chơi ngông, thị tài và đa tình.
Kể từ ngày thi đỗ và ra làm quan, Nguyễn Công Trứ có điều kiện đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Có thể hình dung tất cả các trang đời của Nguyễn Công Trứ đều đầy ắp sự kiện, đầy ắp chí hướng và niềm vui dấn thân hành đạo: chuyện đi học, đi thi, làm quan; chuyện bị cách chức, đổi ngạch, đổi ngạch, thuyên chuyển, rồi những chuyện thơ phú, chuyện tình tang dì Ba, dì Tư, dì Chín; chuyện Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì...
Việc nào ông cũng tận tâm một cách say mê, đam mê đến nơi đến chốn. Đối với lý tưởng "tu, tề, trị, bình", ông đã gắng gỏi hết sức, luôn luôn chú trọng nhập cuộc đời sống hiện thực bằng tất cả năng lực và chí nguyện mà không quá so đo, tính toán điều lợi hại.
Ví như ông biết khuôn phép, biết giữ lời, biết kìm nén; thậm chí thêm một chút xuôi chiều, xu phụ thì con đường hoạn lộ của ông đâu đến nỗi ba chìm bảy nổi. Vậy mà trước sau ông vẫn giữ nguyên cái tư chất đầy bản lĩnh, đầy tự tin và cũng đầy năng lượng quyết đoán. Điều này bộc lộ rõ ngay cả khi khi đã tròn tám mươi tuổi, lúc nghe tin quân Pháp đánh vào cửa biển Đà Nẵng (1858), ông vẫn dâng sớ lên nhà vua, tha thiết xin được tòng quân đánh giặc: "Dù tôi như cái màn, cái lọng rách cũng không nỡ tự nản chí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay".

Nguyễn Công Trứ đã làm bản giao kèo với tạo hóa, vũ trụ, giang sơn và cõi trần ai về nguyện ước công danh: Vũ trụ giai ngô phận sự/ Chẳng công danh chi đứng giữa trần gian (Nợ tang bồng).

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ