[Thông điệp từ lịch sử] Phan Bội Châu - người thức tỉnh hồn nước
Kinhtedothi - Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San), hiệu Hải Thụ, sau lấy hiệu là Sào Nam và nhiều bút danh khác, sinh ngày 26/12/1867, quê ở làng Đan Nhiễm (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ Tĩnh). Thông minh chí khí hơn người, ông đã dành trọn cuộc đời vì sự nghiệp cứu nước.
Năm lên chín tuổi, ông đã có ý thức hưởng ứng phong trào chống Pháp của Trần Tấn, Đặng Như Mai. Mười bảy tuổi, ông thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc; 19 tuổi tổ chức một đội thí sinh quân gồm 60 người ứng nghĩa Cần Vương.Năm 1900, ông đỗ Giải nguyên và chính thức dấn thân vào con đường cứu nước. Năm 1904, ông lập ra Hội Duy Tân (1904), chủ trương bạo động và nhờ ngoại viện để khôi phục nền độc lập. Đầu năm 1905, ông sang Nhật rồi trở về tổ chức phong trào Đông Du (1905 - 1908), tập hợp khoảng 200 thanh niên sang Nhật học tập chính trị, khoa học, quân sự.Khoảng tháng 3/1909, Chính phủ Nhật trục xuất ông và các học sinh Đông Du. Ông về ẩn náu tạm thời trên đất Trung Quốc ít lâu rồi sang Xiêm hoạt động. Cách mạng Tân Hợi thành công (1911), ông trở lại Trung Quốc và thành lập Việt Nam quang phục hội với tôn chỉ khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước "Cộng hòa dân quốc Việt Nam".Ngày 24/12/1913, ông bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam; năm 1917, ra tù, viết báo để tuyên truyền chống Pháp và tiếp tục tìm đường cứu nước; giữa năm 1924, cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng. Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải đem về nước, đưa ra xử ở Tòa đề hình Hà Nội. Trước phong trào phản đối rầm rộ khắp cả nước, thực dân Pháp phải tuyên bố tha bổng nhưng giam lỏng ông ở Huế. Mặc dù trong cảnh “cá chậu chim lồng” nhưng ông vẫn làm thơ văn để tố cáo chính quyền thực dân phong kiến và giác ngộ tinh thần yêu ước của đồng bào.Từ “Gọi hồn nước” đến ý thức “Quốc gia - quốc dân”Vào những năm đầu thế kỷ XX, làn sóng duy tân từ Nhật Bản và tinh thần Mậu Tuất Chính biến (1898) ở Trung Quốc dội sang nước ta qua những "tân thư" và "tân văn" của Lương Khải Siêu cùng các nhà cải lương Trung Quốc khác. Nhờ đó, tầm nhìn của giới sĩ phu được mở ra rộng lớn hơn nhiều, giúp họ ý thức sâu sắc hơn về hiểm họa mất nước. "Tôi vì xem những pho sách ấy mới hiểu qua được tình hình cạnh tranh ở trong hoàn hải, thảm trạng đất nước diệt chủng lại càng kích thích trong đầu sâu sắc hơn" (Tự phán - PBC).Có thể nói Phan Bội Châu là người đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thức tỉnh hồn nước. Ông đã sử dụng thơ văn như một vũ khí để giác ngộ đồng bào. Thơ văn ông khơi dậy nỗi nhục mất nước và tình cảm, tinh thần yêu nước của mọi người.Lời huyết lệ gửi về trong nước,Kể tháng ngày chửa được bao lâuNhác trông phong cảnh Thần châu,Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ...
Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn,Khôn tìm đường dò nhắn hỏi hanBâng khuâng đỉnh núi chân ngàn,Khói tuôn khí uất, sóng cuồn trận đau...(Hải hoại huyết thư -1906, PBC, Lê Đại dịch)Thơ văn Phan Bội Châu khơi dậy lòng yêu nước của không biết bao nhiêu thanh niên các thế hệ, "hàng nghìn thanh niên đã cắt cụt tóc bím, vất hết sách vở văn chương cử tử cùng cái mộng công danh nhục nhã gắn trên đó, lìa bỏ làng mạc, nhà cửa vợ con, rồi băng ngàn lội suối, bất chấp mọi nỗi đói thiếu, nguy hiểm, khổ sở, để qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật mà học hỏi và trù tính việc đánh Tây" (Đặng Thai Mai). Từ yêu nước, lại nghiên cứu sâu sắc tân thư tân văn, Phan Bội Châu sớm ý thức về vận mệnh đất nước và tiên phong nhìn nhận vấn đề của đất nước ở phương diện "quốc gia - quốc dân" (nation-state) với ý nghĩa là một quốc gia thống nhất được hình thành dựa trên cơ sở của ý thức về sự đồng nhất của quốc dân, hay dân tộc (vốn xuất phát từ Nhật Bản và “xuất cảng” sang chữ Hán và tiếng Việt buổi đầu Thế kỷ XX, theo Vĩnh Sính).Trên đường kết giao đồng chí, xây dựng lực lượng, Phan Bội Châu đã phát hiện ra nguyên nhân của tình trạng thiếu đồng thuận từ những điểm yếu trong tâm lý, dân trí của người Việt là hay nghi kỵ lẫn nhau, coi trọng những điều xa hoa vô ích (như trong việc hôn nhân, cúng bái...), biết lợi mình chứ không biết hợp quần, tiếc của riêng mà không nghĩ đến lợi chung, biết thân mình mà không nghĩ đến việc nước (Việt Nam quốc sử khảo, PBC, 1908).Từ Quân chủ đến Dân chủNăm 1904, khi thành lập Duy Tân hội, Phan Bội Châu và các đồng chí đã mời Kỳ ngoại hầu Cường Để làm Hội chủ. Lúc đầu chỉ cốt sao khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác cả. Nhưng đến năm 1906, thì đã xác định rõ là khôi phục nước Việt Nam, lập thành nước quân chủ lập hiến.Năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công ở Trung Quốc, nền quân chủ bị cáo chung, nhà nước dân chủ tư sản ra đời, đã tác động sâu sắc đến tư tưởng của Phan Bội Châu, thuyết phục ông từ tư tưởng quân chủ sang tư tưởng dân chủ tư sản. Năm 1912, ông thành lập Việt nam Quang phục hội ở Quảng Châu với tôn chỉ khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Dân quốc.Về tổ chức, Kỳ Ngoại hầu Cường Để vẫn làm Hội chủ, chức Bộ trưởng Tổng vụ; Phan Bội Châu là Phó Hội chủ; có đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam và 10 “Chấp hành bộ” để lo điều hành Quân vụ, Kinh tế, Giao tế, Văn hóa, Thư vụ. Quân đội được thành lập với tên gọi là Quang phục quân, có sách nội quy là Quang Phục quân Phương lược.Hội lấy cờ đỏ, góc tư trên màu sẫm với năm ngôi sao trắng xếp thành chữ "X" làm hội kỳ của Việt Nam Quang phục Hội, Quốc kỳ là cờ vàng với năm ngôi sao đỏ, Quân kỳ của Quang Phục quân là cờ đỏ năm ngôi sao trắng. Với tổ chức này của Việt Nam Quang phục hội, theo nhà nghiên cứu Vĩnh Sính thì đây là một chính phủ lâm thời (lưu vong). Và với tôn chỉ "độc nhất" của là "khôi phục nền độc lập của Việt Nam" và thành lập một nước "cộng hòa dân quốc", lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chủ nghĩa quân chủ đã bị phủ nhận và chủ nghĩa dân chủ "được xác định". Phan Bội Châu đã đóng vai trò quyết định trong sự chuyển hướng đường lối này.Theo Phan Bội Châu, bạo động là cách duy nhất để lấy lại độc lập cho Việt Nam. Ông cho rằng người Việt Nam không thể tự mình mà phải cậy nhờ một cường quốc khác mới đánh đổ được Pháp. Ông chọn Nhật Bản vì “đồng chủng, đồng văn” đã duy tân thành công và họ đã thắng Nga (1904 - 1905). Sau thất bại Đông du, Phan Bội Châu lại có chí hướng liên kết với nước “đồng bệnh” là Trung Quốc để giải quyết vấn đề độc lập của Việt Nam. Ông vẫn kiên trì tư tưởng Liên Á, cho rằng phải liên kết với các nước như Nhật Bản, Trung Quốc thì người Việt Nam mới giành được độc lập. Tư tưởng này là hệ quả của nhận thức lỗi thời và chủ quan của Phan Bội Châu về quan hệ quốc tế khi mà chủ nghĩa thực dân đã liên kết và phân chia quyền lợi, thuộc địa với nhau. Vì chủ trương bạo động nên những sinh viên du học (theo Phan Bội Châu) ở Nhật và Trung Quốc chủ yếu theo học những trường quân sự, và phần lớn đã hy sinh trong những vụ bạo động, ám sát hay các binh biến lẻ tẻ. Lúc về già, Phan Bội Châu đã có lúc nghĩ lại và ăn năn: "Chân trời góc bể gần ba mươi năm, vì liên lụy với tôi mà kẻ chết người tù, họa tràn quận quốc, độc trôi đồng bào... Anh em chúng ta nếu xem cái gương thất bại trước mà gấp lo tìm cách cải lương, sẽ mở ra một lối thành công sau...".
Ý thức quốc gia - quốc dân đã giúp cho Phan Bội Châu quyết tâm xây dựng khối đoàn kết dân tộc để chống chính sách chia để trị của thực dân Pháp và khắc phục tư tưởng cục bộ của người Việt. Theo ông, "Gọi là một nước thì phải có Nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước" (Việt Nam quốc sử khảo. PBC, 1908). Vong quốc là mất nước, mất độc lập, mất chủ quyền. |