Thông tư dạy thêm, học thêm và quy chế tuyển sinh chính thức có hiệu lực
Kinhtedothi – Bắt đầu từ hôm nay (14/2/2025), Thông tư số 29/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm và Thông tư số 30/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh THCS – THPT chính thức có hiệu lực thi hành.

Không cấm dạy thêm nhưng phải đúng quy định
Nhiều ngày qua, Thông tư số 29/TT-BGDĐT (Thông tư 29) về dạy thêm, học thêm và Thông tư số 30/TT-BGDĐT (Thông tư 30) về quy chế tuyển sinh THCS – THPT do Bộ GD&ĐT ban hành thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, phụ huynh và học sinh.
Thông tư 29 quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 quy định: tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…
Học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng, do đó Bộ GD&ĐT không cấm. Tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...
Tuyển sinh THCS - THPT: không gây áp lực, tốn kém
Theo Thông tư 30, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, để đảm bảo thống nhất, Thông tư quy định chung việc thực hiện 3 môn thi/bài thi, gồm: toán, ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ 3 do Sở GD&ĐT lựa chọn.
Thông tư 30 quy định: môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm.
Đối với tuyển sinh THCS, ngoài đối tượng học sinh tiểu học, Thông tư bổ sung đối tượng tuyển sinh là học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, trong độ tuổi vào học lớp 6 theo quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Thông tư mới quy định cụ thể hơn về phương thức tuyển sinh THCS trên cơ sở bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương, phân cấp quản lý và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm giảm áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh và cơ sở giáo dục
Theo đó, tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THCS thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lý hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT nơi trường đặt trụ sở.
Quy định trong Thông tư 30 cũng giảm thiểu thủ tục hành chính trong đăng ký tuyển sinh; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong GD&ĐT, đó là qua hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Quy định mới về quản lý dạy thêm học thêm: nhiều trường than khó
Kinhtedothi-Liên quan đến quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm, cán bộ quản lý tại nhiều trường phổ thông Hà Nội đã nêu lên những bất cập, băn khoăn; mong có giải pháp tháo gỡ, nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi lớp 10 THPT 2025 đang đến gần.

Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10
Kinhtedothi – Các cơ sở giáo dục phải cam kết tổ chức tuyển sinh theo hình thức trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của đơn vị trong thời gian quy định; các đơn vị không bảo đảm điều kiện có thể không được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.

Hà Nội: công tác tuyển sinh lớp 6 cơ bản giữ ổn định
Kinhtedothi- Tại Hà Nội, nhiều trường THCS tư thục hot đã và đang công bố phương án tuyển sinh năm học 2025 - 2026 còn các trường THCS công lập vẫn chờ hướng dẫn từ cơ quan cấp trên. Theo đánh giá chung, công tác tuyển sinh cấp THCS không thay đổi nhiều so với trước.