Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thu hút đầu tư vào đặc khu kinh tế phải bảo vệ chủ quyền văn hóa Việt Nam

Kinhtedothi - Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đã phát biểu như vậy trong phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chiều 22/11.

Đồng tình với việc xây dựng đặc khu kinh tế nhưng theo ĐB Nghĩa, mục tiêu vào thời điểm này ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá do đó đề nghị phải xác định: "Một là đã cấp đầu tư vào đây phải tạo nội lực cho Việt Nam cùng có lợi chứ không phải 10 đồng họ lợi 8 còn ta chỉ 2. Thứ hai phải đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia, bảo vệ bản sắc và truyền thống văn hóa Việt Nam. Nếu đảm bảo được các tiêu chí này thì ngành nào, nhà đầu tư nào đáp ứng được thì ta làm”. ĐB cũng cho biết thêm, nếu cam kết nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào đó ta có quyền thu hồi dự án.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận.
Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích: “Về cách làm, chúng ta ra Luật nhưng lại đưa vào 3 đơn vị cụ thể. Ở đây nên ra một Luật chung về đơn vị hành chính đặc biệt, còn với 3 đơn vị cụ thể trên thì đưa vào Nghị quyết chứ không nên đưa vào Luật. Chúng ta đưa ra 3 đặc khu nhưng nếu trong quá trình đầu tư, 1 trong 3 đặc khu không phát triển hoặc không thành công lúc đó ta dùng Nghị quyết để thay đổi và nếu trong quá trình đặc khu nào khác hứa hẹn triển vọng ta lại đưa vào Nghị quyết để thay đổi chứ không nên đóng khung chặt vào Luật như hiện nay và lúc đó cũng không phải sửa Luật”.
Về cấp đất, ĐB chỉ ra, Luật đưa ra 99 năm trong khi Luật hiện hành tối đa 70 năm mà chỉ Thủ tướng mới quyết định. Nếu anh đầu tư vào casino 44.000 tỷ được cấp đất 99 năm, vậy với 30 - 50 năm nữa thay đổi thì chúng ta có thu hồi không? Đề nghị bỏ quyền sử dụng đất 99 năm mà để nguyên như Luật hiện hành là 70 năm.
Đồng tình tách riêng 3 đơn vị hành chính vào dự án ĐB Nguyễn Thanh Phong (Cần Thơ), cho rằng, Luật nên có độ mở để thúc đẩy phát triển. “Như quy định các ngành nghề cho 3 đặc khu, không nên đóng khung chi tiết ngành nghề mà chỉ định hướng, trong quá trình phát triển có thể mở rộng thêm”. Ngoài ra, việc giao đất 99 năm là quá dài và bất lợi do nền kinh tế thế giới biến động mạnh và khó dự báo.
Các ĐB cũng đề nghị thẩm quyền thì có mục nên giao Thủ tướng, có mục giao cho Chính phủ để các Bộ ngành trung ương có trách nhiệm.
Mô hình chính quyền ở các đặc khu cũng là vấn đề được các ĐB đặc biệt quan tâm. Trong đó, phương án 1 (phương án chọn của Chính phủ) được nhiều ý kiến ủng hộ hơn. Theo đó, chính quyền địa phương đặc khu là thiết chế trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng khu hành chính (không tổ chức HĐND và UBND). Phương án này được xem là tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đặc khu kinh tế.
Những đề xuất về ưu đãi vượt trội tại các đặc khu kinh tế như: Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm một nửa trong các năm tiếp theo. Thậm chí, nếu là nhà quản lý, nhà khoa học, hay chuyên gia được miễn thuế tới 10 năm đầu, nhưng không quá 2030. Miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Được thuê đất tối đa 99 năm; Ưu đãi thuế xuất nhập khẩu tại khu phi thuế quan; Được lưu hành tự do USD và có thể làm visa ngay tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ