Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Lĩnh vực thuỷ lợi đang… “phú quý giật lùi”
Kinhtedothi - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, lĩnh vực thuỷ lợi hiện nay đang… “phú quý giật lùi”. Hoạt động của các doanh nghiệp thuỷ lợi càng ngày càng khó khăn. Đời sống công nhân thuỷ nông không đảm bảo.
Sáng 2/11, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thuỷ lợi.
Đáp ứng đa nhiệm vụ
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Khanh, cả nước hiện có 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50 ngàn m3; 27.754 cống; 16.057 đập tạm; 291.000 km kênh mương các loại (trong đó có 82.744 km kênh mương đã được kiên cố). Hệ thống công trình thủy lợi cũng đang đảm bảo nhiệm vụ cấp và tiêu thoát nước cho hàng triệu ha đất nông nghiệp, đô thị...
Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo phục vụ sinh hoạt, cấp nước cho các ngành kinh tế. Cùng với đó, đưa sản lượng nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước.
5 vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ
Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ cũng như nỗ lực của các địa phương, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Từ năm 2003 đến nay, đã sửa chữa được khoảng 1.500 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, hệ thống công trình thuỷ lợi hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo báo cáo của các địa phương và kiểm tra rà soát của Cục Thuỷ lợi, cả nước còn 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp. Bộ NN&PTNT đã khái quát một số vấn đề về công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và định hướng trong thời gian tới. Bộ Tài chính cũng đã thông tin kết quả thực hiện chính sách về giá, hỗ trợ tài chính, cơ chế, phương thức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi…
Các đại biểu tham dự cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ, kiến nghị Cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT thống nhất chỉ đạo, phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương giải quyết, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu công trình thuỷ lợi trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tháng 4/2019, ông được điều động về làm Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thuỷ lợi. Ngay lúc đó, Bộ đã tổ chức 1 hội nghị toàn quốc, bàn về câu chuyện thuỷ lợi. “Sau hơn 4 năm, đánh giá lại thì lĩnh vực thuỷ lợi đã có những chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn đó nhiều vấn đề chưa làm được. Trong đó có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền, không nằm trong tay chúng ta” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Cho đến nay, thể chế đã có nhiều thay đổi. Luật Thuỷ lợi và nhiều chủ trương lớn đã được ban hành, trong đó quan trọng nhất là Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy phát triển lĩnh vực thuỷ lợi.
Dù vậy, khi nhìn nhận thẳng thắn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, lĩnh vực thuỷ lợi hiện nay đang… “phú quý giật lùi”. Hoạt động của các doanh nghiệp thuỷ lợi càng ngày càng khó khăn. Đời sống công nhân thuỷ nông không đảm bảo.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ ra 5 khó khăn, vướng mắc hiện tại của lĩnh vực thuỷ lợi. Trong đó, vấn đề bất cập nhất là sự thay đổi lớn về cơ chế chính sách. Cùng với đó là phương thức quản lý; phân cấp và quản lý tài sản; vấn đề về quản lý an toàn đập, cũng như các quy định về tài chính. Đặc biệt, chế độ, chính sách cho người lao động tại các doanh nghiệp thuỷ nông hiện rất thấp, là nỗi trăn trở lớn của cán bộ thuỷ lợi.
Nhấn mạnh những vấn đề của ngành thuỷ lợi có thể chưa giải quyết được triệt để trong ngày 1 ngày 2, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Thuỷ lợi tiếp tục phối hợp cùng các doanh nghiệp thuỷ nông thảo luận để tìm hướng tháo gỡ; phấn đấu đến năm 2025 phải có chuyển biến rõ nét.
Hà Nội: Vi phạm đê điều, thuỷ lợi vẫn diễn biến phức tạp
Kinhtedothi - Từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng vi phạm đê điều, thuỷ lợi trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Vi phạm mới phát sinh nhiều, trong khi việc xử lý, giải toả lại rất chậm.
Hà Nội: Sử dụng hiệu quả nguồn nước hồ chứa thuỷ lợi chống hạn vụ Xuân
Kinhtedothi - Từ ngày 6/1, Hà Nội sẽ bước vào đợt chống hạn đầu tiên cho sản xuất vụ Xuân 2023. Cùng với nguồn nước bổ sung từ các sông chính, hồ chứa thuỷ lợi sẽ đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả chống hạn.
Lo ngại thiếu hụt nguồn nước vụ Xuân ở khu vực Tây Bắc của Hà Nội
Kinhtedothi - Trong số các quận, huyện, thị xã của Hà Nội có tổ chức lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2023, nhóm địa phương nằm ở khu vực Tây Bắc có tỷ lệ lấy nước hiện đạt thấp nhất. TP đang chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp chống hạn kịp thời.