Saturday, 19:10 22/06/2019
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường đánh giá cao vai trò của Nhà báo trong bảo vệ môi trường
Kinhtedothi - Sáng 22/6 tại Hà Nội, Báo Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và biển đảo – 2019. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã tham dự Diễn đàn.
Nâng cao trách nhiệm chống rác thải nhựa
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, trong xu thế tin tức hiện nay, chủ đề tài nguyên môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn. Đồng thời các cơ quan báo chí cũng đã thành lập, vận hành các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về tài nguyên và môi trường.
Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường |
“Thay mặt Bộ TN&MT, tôi đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng và chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ trong quá trình lớn mạnh của ngành và góp phần thiết thực bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trao đổi về trách nhiệm của công tác tuyên truyền, báo chí trong Phong trào “Chống rác thải nhựa”, bà Ngyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, đối tượng tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa là toàn xã hội, nhưng cần tập trung vào DN và hộ gia đình để họ chủ động giảm rác thải nhựa trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Càng lan tỏa bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng cần tập trung những đối tượng để tác động mạnh mẽ hơn.
“Chúng tôi mong rằng, các cơ quan báo chí cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa nói riêng để đưa ra kế hoạch tuyên truyền mang tính đậm nét, thường xuyên. Cùng với đó, tăng những tin bài mang tính thực tiễn, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức khoa học, kinh nghiệm trong chống rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài nói.
Sẽ có chế tài đủ mạnh
Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Rác thải hiện chủ yếu được tập trung, xử lý tại các bãi rác và một phần trôi nổi ra biển.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Coca-Cola, PepsiCo Việt Nam là 2 trong 9 doanh nghiệp đã ký kết thành lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam |
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Việt Nam hiện nay có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường.
Theo ông Thức, hiện Bộ TN&MT đã đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải nhựa hiện nay, đồng thời thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa. Trong đó có Nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa; Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa;…
Trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị xoay quanh việc một số DN được đánh giá là tiên phong trong các hoạt động cộng đồng về chống rác thải nhựa nhưng bản thân sản phẩm của họ lại sử dụng nhiều bao bì nhựa một lần, ví dụ như Coca-Cola Việt Nam, PepsiCo Việt Nam,…ông Hoàng Văn Thức cho biết, ngày 21/6 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Coca-Cola, PepsiCo Việt Nam là 2 trong 9 doanh nghiệp đã ký kết thành lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Liên minh này sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, PRO Vietnam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.
Đồng thời, PRO Vietnam cũng hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế. Liên minh này cũng hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh "Recycle - tái chế" của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng and Recycle - tái chế) thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện. Ngoài các chính sách trên, PRO Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam.
“Việc tham gia thành lập liên minh PRO Vietnam với những cam kết cụ thể cho thấy, các DN sử dụng bao bì nhựa một lần như Coca-Cola hay PepsiCo Việt Nam đang có những hành động thiết thực và nghiêm túc về lộ trình chống rác thải nhựa trong chính nội tại của họ”, ông Hoàng Văn Thức nhận định và cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào năm 2020 cũng sẽ có điều khoản, chế tài về rác thải nhựa. Đây sẽ là cơ sở pháp lý- chế tài đủ mạnh trong công cuộc chống rác thải nhựa của nước ta.
Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và Biển đảo lần thứ III - 2019 với chủ đề: “Chống rác thải nhựa: trách nhiệm quản lý - truyền thông - doanh nghiệp”. Diễn đàn thực sự là sân chơi chung cho các nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, chính sách và kinh nghiệm trong lĩnh vực rác thải nhựa, rác thải đại dương nhằm đạt đến tiếng nói chung để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa ra môi trường nói chung và đại dương nói riêng.
Tags