Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Kinhtedothi - Gia đình tôi được giao thửa đất trồng lúa, nhưng cũng như các hộ xung quanh, do thổ nhưỡng, thủy lợi… nên trồng lúa không hiệu quả. Nhiều hộ còn bỏ ruộng trong một thời gian dài.

Không biết, đất trồng lúa có được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm hay không? Nếu được phép thì thủ tục thực hiện như thế nào?

Nguyễn Văn Tân, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:

Căn cứ vào mục đích sử dụng, nhóm đất nông nghiệp bao gồm đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm muối; đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

 

Theo điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, "chuyển đất trồng lúa sang đất trông cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối" thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khoản 2 Điều 134 của Luật này quy định: “Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.

Để đảm bảo an ninh lương thực, Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

Như vậy, để chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, gia định bạn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt năm 2018 như sau:

“a) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;

b) Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;

c) Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;

d) Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại”.

Thêm nữa, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ. Đó là:

“a) Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

c) Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng”.

Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, tùy theo phạm vi địa giới hành chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành.

Theo điểm a khoản 3 của Điều này, “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm gửi 01 bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 04.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này”.

Cho nên, nếu có nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa được giao sử dụng hợp pháp sang trồng cây lâu năm, gia đình bạn gửi 01 bản đăng ký theo mẫu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý thửa đất để được xem xét giải quyết.

Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký. Nếu bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho gia đình bạn.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chủ đầu tư từng bước khắc phục sai phạm

Chủ đầu tư từng bước khắc phục sai phạm

09/01/2025 | 09:20

Kinhtedothi - Tiếp thu phản ánh của Báo Kinh tế & Đô thị, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đô thị Hà Nội đang từng bước khắc phục những sai phạm trong quá trình cải tạo, sửa chữa tại ô đất số 2, ngõ 122, phố Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng).

Đồng Nai: đất chính chủ bỗng nhiên bị xâm chiếm, cản trở xây dựng

Đồng Nai: đất chính chủ bỗng nhiên bị xâm chiếm, cản trở xây dựng

14/12/2024 | 11:26

Kinhtedothi - Khu đất của bà Phạm Khánh Tâm bị người khác xâm phạm lấn chiếm, xây dựng trái phép, đã được chính quyền thực hiện cưỡng chế, bàn giao lại đất. Tuy nhiên, khi xây dựng hàng rào bảo vệ khu đất hợp pháp của mình, bà Tâm lại bị đối tượng lấn chiếm đất ngăn cản.

Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ