Thủ tướng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường với Lào
Kinhtedothi - Sáng 24/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào Sommad Pholsena.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được đề xuất tại Hiệp định về hợp tác song phương giữa hai Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời xây dựng kế hoạch hợp tác trong thời gian tới giữa hai Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng mong muốn hai Bộ Tài Nguyên và Môi trường rà soát, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ đã được hai Chính phủ giao theo các biên bản thỏa thuận cấp cao.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào chỉ đạo Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong việc theo dõi, giám sát tác động thực tế của các công trình thủy điện trên dòng sông Mê Công, đồng thời giữ gìn môi trường cho dòng sông Mê Công bởi đây là dòng sông chung. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng mong muốn Lào cử đầu mối để cùng Việt Nam nghiên cứu và xem xét khả năng tham gia Công ước bảo vệ và sử dụng các dòng nước xuyên biên giới và hồ quốc tế. Trao đổi quan điểm phát triển của Việt Nam về việc tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, Thủ tướng cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Lào trong vấn đề này. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế đối với sự phát triển của đất nước và bày tỏ, hai bên có thể tăng cường trao đổi, hợp tác về lĩnh vực thể chế, một yếu tố quyết định tới sự thành bại của một quốc gia. Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Sommad Pholsena báo cáo kết quả làm việc giữa hai Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông báo về kết quả khảo sát một số mô hình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Đây là những kinh nghiệm tốt để Lào có thể nghiên cứu áp dụng. Bộ trưởng cũng khẳng định mọi hoạt động xây dựng thủy điện trên dòng chính của sông Mê Công sẽ tuân thủ quy định của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và pháp luật quốc tế, sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các quốc gia khác trong việc sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công./.