Thủ tướng: Sóc Trăng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Kinhtedothi - Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của Sóc Trăng; đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, không để người dân nào thiếu đói, đứt bữa; có 29/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn bình quân chung của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch chậm, nông nghiệp vẫn chiếm đến 40%. Mặt khác, doanh nghiệp trong tỉnh còn ít; chỉ số PCI của tỉnh có tiến bộ nhưng chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) còn thấp.
Theo Thủ tướng, bên cạnh tiếp tục giữ vững an ninh lương thực, Sóc Trăng cần tập trung vào sản xuất lúa cao sản đi liền với phát triển những loại trái cây lợi thế của địa phương. Thủ tướng cũng đặt vấn đề Sóc Trăng cần tham gia câu lạc bộ sản xuất tôm hàng đầu của ĐBSCL khi mà tỉnh có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Thủ tướng nhất trí với định hướng của Sóc Trăng trong phát triển du lịch, dịch vụ đi liền với phát triển đô thị, đồng thời yêu cầu tỉnh phát triển mạnh mẽ công nghiệp, nhất là loại hình giải quyết nhiều việc làm, công nghiệp năng lượng tái tạo, một lợi thế của Sóc Trăng. Tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra năm 2017, bởi địa phương hoàn thành chỉ tiêu thì cả nước mới hoàn thành chỉ tiêu.Về các kiến nghị cụ thể của Sóc Trăng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Trung ương tiếp tục phân cấp, giao quyền cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong khung kế hoạch chung quốc gia.Nhân chuyến công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm dây chuyền kho trữ, công nghệ sấy và tiêu thụ gạo tại Nhà máy Chế biến lương thực Thành Tín, TP. Sóc Trăng. Nhà máy lắp đặt dây chuyền chế biến sản xuất khép kín, hiện đại từ việc sấy lúa, xay xát bóc vỏ cho đến lau bóng gạo với công suất 500 tấn/ngày; chế biến và cung ứng lúa gạo cho thị trường trong nước và nước ngoài. Đây là cơ sở sản xuất được đầu tư công nghệ hiện đại, không để bụi phát sinh gây ảnh hưởng xấu cho môi trường.