Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thủ tướng: Tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể

Kinhtedothi - Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng.

Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo chương trình, phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng 7 vừa qua, đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương mẫu mực về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, suốt đời vì dân vì nước, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới. Chúng ta đã tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn lễ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng 7 vừa qua, đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, hàng triệu người dân đã tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, hàng trăm nước gửi điện chia buồn, gửi đoàn tới viếng Quốc tang tại Việt Nam và hơn 1.000 đoàn quốc tế tới viếng tại các đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Điều này vừa khẳng định sự ngưỡng mộ, kính trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa thể hiện sự đánh giá cao với vị thế, uy tín của đất nước ta, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng nêu rõ sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn quan tâm tới hoạt động của Chính phủ và thường xuyên có các chỉ đạo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể cả trong lúc nằm viện những ngày cuối đời.

Đồng thời thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi đến các gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt, sạt lở vừa qua.

Cũng thời gian qua, trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của Đảng, Nhà nước, ngày 3/8, Trung ương đã thống nhất bầu đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên thành viên Chính phủ làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với tỉ lệ tuyệt đối 100%. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Về một số điểm nổi bật của tháng 7 và 7 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nhìn chung tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, trong đó có 3 điểm đáng lưu ý.

Theo đó, biến động chính trị; cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang ở Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza. Kinh tế toàn cầu còn rủi ro, có tín hiệu phục hồi nhưng thiếu vững chắc, thiếu đồng đều với giá USD, giá vàng tăng cao, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh, lạm phát chưa về mức mục tiêu tại nhiều quốc gia, Fed chưa cắt giảm lãi suất. Già hóa dân số, thiếu hụt lao động, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai tác động nặng nề, tiếp tục là những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, đặc biệt, thế giới đã trải qua những ngày nóng nhất lịch sử trong tháng 7.

Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh đó, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6, tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. 60/63 tỉnh, TP có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, đây là điểm sáng. Nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo được quan tâm phát triển và có nhiều kết quả tích cực. Tích cực xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

Đáng chú ý, cũng trong tháng 7, chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm…, an ninh trật tự trên một số địa bàn tiềm ẩn phức tạp; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong tháng 7 và 7 tháng, những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo, đột phá, hiệu quả trong thực tiễn; nhận định về tình hình tháng 8 và thời gian tới, đề xuất những cơ chế, chính sách giải pháp, các lĩnh vực trọng tâm, tạo đột phá trong tháng 8, quý III và những tháng cuối năm (ngoài các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp bao trùm cho cả năm trong Nghị quyết 01, 02 năm 2024), đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%. Cùng với đó là việc chuẩn bị các nội dung cụ thể, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ