Thừa Thiên Huế: Bộ đội, công an xuyên đêm giúp dân trong mưa lũ
Kinhtedothi - 23 giờ ngày 14/10, tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, nhiều nơi bị chia cắt cục bộ. Trước tình hình phức tạp của mưa lũ, lực lượng công an, bộ đội đã triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân.
Trong đêm, qua liên lạc, đại tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để ứng phó với những diễn biến phức tạp của mưa lũ, đơn vị đã triển khai 100% quân số, túc trực 24/24 giờ, thường xuyên nắm chắc tình hình mưa lũ tại các địa phương. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị huy động hàng chục phương tiện tàu xuồng, ô tô, xe thiết giáp và hàng ngàn phao cứu sinh cùng vật dụng phòng chống lụt bão cần thiết để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình tại địa bàn, nhất là các địa phương thấp trũng, địa bàn vùng núi có khả năng xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng di dời bà con đến nơi an toàn.
Trong đêm 14/10, tại địa bàn TP Huế đã xuất hiện nhiều khu vực bị ngập do mưa lũ. Để khẩn trương giúp đỡ nhân dân các vùng xung yếu, vùng bị chia cắt bởi ngập lụt, Ban Chỉ huy quân sự TP Huế đã kịp thời huy động lực lượng di dời, sơ tán hơn 430 hộ với trên 1.500 khẩu đến nơi an toàn.
Theo báo cáo từ các địa phương đến 21 giờ ngày 14/10, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang rất lớn và diễn biến phức tạp. Mưa lớn đã làm cho nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, đường dân sinh ngập sâu, có nơi ngập trên 1m.
Các địa phương ở các vùng thấp trũng như: Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền... đã bị ngập sâu, nhiều địa điểm bị chia cắt cục bộ.
Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tại các địa phương tiến hành nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền vận động và nhanh chóng di dời nhân dân ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Tính đến 21 giờ tối cùng ngày, lực lượng vũ trang tỉnh đã di dời hơn 12.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Tại địa bàn huyện Phú Lộc, các tuyến đường nước lên rất nhanh, có nơi ngập từ 40 - 80cm. Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc đã chỉ đạo dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng túc trực tại những khu vực trọng điểm. Các lực lượng được bố trí luân phiên túc trực thường xuyên để hướng dẫn người dân, không lưu thông vào khu vực ngập sâu, nguy hiểm.
Trên tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện ít nhất 3 điểm ngập sâu, các phương tiện phải tạm dừng lưu thông.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, trên Quốc lộ 1A, đoạn đi qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc; km 829 gần cầu vượt Thủy Dương; km 867 Bắc hầm Phước Tượng nước ngập sâu khoảng 50 - 60cm.
Lực lượng CSGT công an các huyện và Phòng CSGT Công an tỉnh đã tập trung huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ phối hợp tuần tra, điều hòa, hướng dẫn giao thông. Do mực nước ngập sâu gây nguy hiểm người và phương tiện, nên lực lượng chức năng lập rào chắn, đặt biển cấm các phương tiện lưu thông qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 939/CĐ-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung.
Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa lũ
Kinhtedothi - Dự báo các tỉnh miền Trung, mà tâm điểm là Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 14/10 đến 16/10, tổng lượng mưa có nơi 1.000mm. Trước tình hình trên, các địa phương đã chủ động triển khai biện pháp ứng phó.
[Ảnh] Đà Nẵng mưa trắng trời, phố biến thành sông
Kinhtedothi - Mưa trắng trời cả ngày khiến nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng ngập sâu. Hàng loạt phương tiện chết máy, giao thông ùn tắc.