Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thúc đẩy giải quyết các bức xúc qua tiếp công dân

Kinhtedothi - Công tác tiếp công dân của Thường trực và ĐB HĐND TP Hà Nội thời gian qua được nhận định có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, giúp đại biểu (ĐB) hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời việc giám sát bảo đảm đơn thư được giải quyết kịp thời.

Đôn đốc việc giải quyết

Thống kê cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, ĐB HĐND TP và quận, huyện, thị xã duy trì đều đặn việc tiếp công dân nơi mình ứng cử. Chỉ tính riêng năm 2017, đã có 484 lượt ĐB HĐND TP tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý hơn 500 vụ việc; gần 2.000 lượt ĐB HĐND quận, huyện, thị xã tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý hơn 3.000 vụ việc liên quan các lĩnh vực kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc ở địa phương.
 Cuộc họp giữa lãnh đạo phường Vĩnh Tuy với Tổ hòa giải địa bàn dân cư số 21 của phường để giải quyết mâu thuẫn tại cơ sở. Ảnh: Thùy Linh
Thường trực HĐND TP còn tăng cường tiếp dân theo vụ việc, có mời các sở, ngành chức năng, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã (địa bàn có đơn thư) dự. Tại buổi tiếp, Thường trực HĐND TP trực tiếp đối thoại với công dân có đơn, xử lý đơn và chỉ đạo ngay các cơ quan giải quyết. Thực tế cho thấy, việc tiếp dân theo vụ việc của Thường trực HĐND TP đã thể hiện hiệu quả rõ ràng hơn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân trực tiếp, tháo gỡ “nút thắt” chậm trễ.

Tại các Ban HĐND TP, hiệu quả trong công tác này cũng được thể hiện rõ. Qua các buổi tiếp công dân định kỳ, các Ban nắm rõ một số vụ việc mâu thuẫn, vướng mắc ở cơ sở, chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm. Theo lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TP, việc thực hiện kết luận sau thanh tra công vụ ở một số nơi còn chậm; nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo cũng chậm nên mới phát sinh thêm đơn, thư. Qua tiếp công dân và giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo của công dân cũng là một trong những kênh giúp HĐND TP thúc đẩy giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri.

Tạo sự đồng thuận

Không chỉ tại cấp TP, tại các quận, huyện, việc tiếp công dân định kỳ cũng được chú trọng. Phó Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh nhận định: “Chỉ khi tích cực lắng nghe, giải quyết đơn, thư, đối thoại trực tiếp với Nhân dân mới hạn chế được đơn, thư vượt cấp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh Nguyễn Duy Lâm cũng cho rằng, ngoài nắm bắt từng vụ việc qua tiếp công dân, mỗi ĐB cần tăng cường giao ban theo nhóm, nắm bắt tổng hợp kiến nghị của cử tri, từ đó nâng cao hoạt động giám sát. Đồng thời, mỗi ĐB phát huy tốt vai trò dân cử, không chỉ tiếp nhận thông tin, vụ việc, mà còn hướng dẫn để Nhân dân khiếu kiện đúng quy định của pháp luật, tránh vượt cấp.

Thực tế cho thấy, hoạt động tiếp dân của HĐND TP, các quận, huyện, thị xã có hiệu quả rõ nét, nhưng đối với HĐND cấp xã, phường, thị trấn, công tác này duy trì chưa đồng đều, ĐB HĐND cấp xã dành ít thời gian cho công tác tiếp công dân... Để thực hiện hiệu quả hơn công tác tiếp dân, đôn đốc, xử lý đơn thư của cử tri, HĐND TP kiến nghị với UBND TP tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, nắm tình hình giải quyết kiến nghị của công dân giữa các cấp chính quyền.

Như Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đã nhận định, tại các buổi tiếp dân, ĐB HĐND đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật tới công dân. Đây cũng là dịp để ĐB lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị và hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy định, đồng thời tiếp nhận đơn, thư chuyển đến các cơ quan thẩm quyền giải quyết. Thông qua tiếp công dân, ĐB còn nắm bắt thêm thông tin, mở rộng vấn đề và có thể làm dẫn chứng phục vụ hoạt động khảo sát, giám sát, chất vấn tại kỳ họp.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ