Tuesday, 15:06 28/02/2017
Thúc đẩy phát triển chè bền vững
Kinhtedothi - Ngày 28/2, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức hội nghị phát triển chè bền vững lần thứ 5 và ra mắt dự án “Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng giai đoạn 2”.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, một trong những nhiệm vụ đặt ra của ngành chè Việt Nam là phải tiếp tục thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng. Xác định được vấn đề này, thời gian qua, Hiệp hội chè Việt phối hợp cùng Bộ NN&PTNT đã tiếp tục tăng cường phổ biến quy định của pháp luật về kiểm soát hóa chất nông nghiệp và phát triển bộ tài liệu quốc gia về sản phẩm chè bền vững. Cùng với đó, Hiệp hội Chè Việt Nam đã phối hợp với các địa phương, DN xây dựng và đào tạo cho hàng ngàn hộ nông dân trồng chè theo tiêu chuẩn chứng nhận Rainforest Alliance (RA) cũng như cung cấp hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất, chế biến hạng A thông qua việc cải thiện hàng loạt hệ thống đánh giá nhà máy tại Việt Nam.
Theo mục tiêu của Hiệp hội Chè Việt Nam, đến hết năm 2017, sẽ đào tạo, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật cho 15 nhà máy cùng 16.500 nông hộ trồng chè trên cả nước về nông nghiệp bền vững và chứng nhận RA, với sản lượng đạt chứng nhận khoảng 15.000 tấn. Bên cạnh đó sẽ xây dựng và áp dụng mô hình nhằm giúp DN kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng chè. Đồng thời thường xuyên cập nhật các thay đổi về quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường lớn và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp. Đặc biệt, Hiệp hội Chè Việt Nam sẽ phối hợp với Tổ chức Phát triển bền vững Hà Lan (IDH) nâng cao chất lượng sản xuất chè Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới thông qua cải thiện chất lượng của cả chuỗi giá trị từ sản xuất – chế biến – chứng nhận – tiêu thụ. Từ đó nâng cao lợi ích của tất cả các thành phần tham gia chuỗi.Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, khối lượng xuất khẩu chè tháng 2/2017 ước đạt 7.000 tấn với giá trị đạt 10 triệu USD, đưa khối lượng xuât khẩu chè 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt 16.000 tấn và 23 triệu USD, giảm 1,4% về khối lượng và giảm 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá chè xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2017 đạt 1.471 USD/tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng 1/2017, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 41,5% thị phần, giảm 20,7% về khối lượng và giảm 27,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường có giá trị xuất khẩu chè trong tháng 1/2017 tăng mạnh là Ba Lan (gấp 5,7 lần), ẢRập Xêút (gấp 2,1 lần), Trung Quốc (17,3%) và Hoa Kỳ (10,9%).Trong nước, thị trường chè nguyên liệu trong nước sau Tết Nguyên đán không có sự biến động mà vẫn duy trì ổn định ở mức giá trước Tết. Cụ thể tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao trong tháng 2/2017 giữ mức 190.000 đồng/kg, chè xanh búp khô và chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) lần lượt ở mức 140.000 đồng/kg và 105.000 đồng/kg. Tương tự, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh loại giữ mức 8.000 đồng/kg, giá chè nguyên liệu sản xuất chè đen là 4.000 đồng/kg.