Thực hành tiết kiệm: Thay đổi từ ý thức đến hành động của mỗi người
Kinhtedothi - Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Tuần lễ hưởng ứng Ngày tiết kiệm thế giới vào cuối tháng 10/2016.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu đầy ý nghĩa về thái độ sống tiết kiệm, đáng để mỗi người suy ngẫm, thực hiện.
Tiết kiệm nhỏ giọt, lãng phí tràn lan
Sức lan tỏa của những câu chuyện hết sức bình dị, đời thường của Chủ tịch Ủy ban MTTQ giữa lúc cả nước đang thấy sốt ruột với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư công lãng phí, trong khi miền Trung phải oằn mình chống chọi với lũ lụt. Rồi hình ảnh những dự án hoành tráng nhưng hoang tàn bên cạnh những xóm làng tiêu điều, người dân xúc động đón nhận và san sẻ cho nhau từng gói mỳ tôm, từng chai nước lọc gợi lên biết bao cảm xúc. Buồn, thương, chua xót, thậm chí cả đau đớn nữa. Giá như những con số ngàn tỷ kia không bị đầu tư lãng phí, đến được với dân thì sẽ bớt đi rất nhiều khó khăn, nghèo đói.
Có hai loại hình tiết kiệm hay được nhắc đến là thời gian và tiền bạc. Theo khảo sát của một tổ chức nghiên cứu quốc tế, người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á tiếp tục là những người “khao khát” để dành tiền tiết kiệm nhất thế giới, với gần hai phần ba (61%) người Việt để dành tiền “nhàn rỗi” của mình, so với mức chỉ 48% trên toàn cầu. Đây cũng là cách nên làm, tuy nhiên, nếu chỉ “chăm chăm” giữ tiền, không biết cách sinh lời, không có đam mê làm giàu thì khó mà bứt phá, phát triển được. Bác Hồ đã từng nói tiết kiệm không chỉ có nghĩa là không hoang phí, không xa xỉ, mà còn phải biết tổ chức, quản lý, tiết kiệm thời gian. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm. Thực tế là nhiều người cũng rất tiết kiệm, nhưng lại chỉ “giữ” của mình, còn của công thì vô tư lãng phí. Thế mới có chuyện quyết tâm thể hiện rất cao, nhưng ngân sách năm nào cũng bội chi, mà theo lý giải cái gì cũng cần thiết, cũng cấp bách cả. Đến khi dự án đổ bể, trách nhiệm lại thuộc về thị trường, cơ chế.
Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả tại thời điểm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP. Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011 - 2015 là 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. “Góp công” lớn vào kết quả này là hàng loạt dự án “khủng” như đầu tư thua lỗ, nguy cơ phá sản hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đến chuyện tiết kiệm thời gian. Hình ảnh cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” đã trở thành “thương hiệu” của không ít cơ quan, đơn vị. Chỉ cần nhìn vào những quán cà phê, quán bia lúc nào cũng nườm nượp là thấy ngay chất lượng công việc thế nào. Có người lý sự: “Chúng tôi đang kích cầu dịch vụ, tiêu dùng đấy chứ”, thể hiện qua việc năm 2015, người Việt uống 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu, nằm trong top 25 thế giới. Những con số này tỷ lệ nghịch với thu nhập của người dân và tăng trưởng chóng mặt thời gian qua, bất chấp lượng bia rượu thế giới tiêu thụ không tăng 10 năm qua. Không thể phủ nhận ngành giải khát đóng góp quan trọng cho ngân sách, nhưng sự lãng phí về sức khỏe, an toàn giao thông còn cao hơn. Chưa kể đến những đồng tiền thuế của dân phải đóng để nuôi một bộ phận không nhỏ làm việc thiếu trách nhiệm.
Giải pháp cũ, quyết tâm mới
Vấn đề tiết kiệm đã được cả nghị trường Quốc hội và Chính phủ có những động thái quyết liệt để siết chặt chi tiêu ngân sách. Thủ tướng gương mẫu đi đầu không mua xe mới, đi công tác bằng máy bay thương mại. Bộ Tài chính thực hiện thí điểm bỏ xe công đối với các Thứ trưởng và kỷ luật đầu tư công sẽ nghiêm ngặt hơn. Việc này thời gian tới phải triển khai “đại trà” hơn, bởi ước tính mỗi năm ngân sách phải “cõng” khoảng 12.800 tỷ đồng/năm dành cho việc sử dụng, duy trì 40.000 xe công hiện có trong cả nước.
Tại Hà Nội, câu chuyện tiết kiệm được đưa vào một trong những chương trình công tác quan trọng nhiều khóa qua với nhiều giải pháp thực hiện cụ thể từ đầu tư đến chi tiêu thường xuyên. Chỉ cần điểm qua từ năm 2011 - 2015, việc thực hiện tiết kiệm kinh phí ngân sách của toàn TP đạt hơn 6.340 tỷ đồng - một con số rất lớn. Mới đây, dư luận cũng rất quan tâm đến thông tin mỗi năm TP tốn hàng trăm tỷ đồng để cắt cỏ, chỉnh trang vườn hoa, cây cảnh. Sự bất hợp lý này đã được chấn chỉnh, tiết kiệm cho ngân sách số tiền không nhỏ. Hay việc quản lý quảng cáo, trước kia có đến 4 - 5 đầu mối cùng “quản”, vừa lãng phí nhân lực, vừa chồng chéo. Bây giờ được thu gọn lại cho Sở VH - TT đảm đương hết, bớt được tương đối nhân lực. Đó cũng là cách Hà Nội thực hiện khi triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Trong những năm qua đã tinh giản 4.000 người, từ đầu năm đến nay đã thu gọn trên 100 đầu mối tại các sở, ngành TP, qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực và tiết kiệm thời gian cho người dân, DN, TP đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC. Nhiều việc làm tưởng khá đơn giản, nhưng đem lại hiệu quả cao. Như tại quận Long Biên, nhiều văn bản, giấy mời được chuyển qua hộp thư điện tử, rồi giấy in tận dụng cả hai mặt. Nhờ đó, riêng “khoản” văn phòng phẩm cũng tiết kiệm được cả tỷ đồng. Những mô hình, cách làm chủ động như thế cần được triển khai “đại trà” trên địa bàn TP.
Năm 2017, ngân sách TP sẽ bị cắt giảm để chia sẻ khó khăn với T.Ư, câu chuyện tiết kiệm càng phải được coi trọng hơn nữa, nhất là trong bối cảnh áp lực về hạ tầng ngày càng đè nặng. Chọn dự án nào cho “đáng đồng tiền bát gạo” chắc chắn là bài toán không dễ dàng với những người làm công tác quản lý. Cùng với đó, phải siết chặt chi thường xuyên, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải đặt lên hàng đầu. Giải pháp này chẳng có gì mới mẻ, nhưng để điều đó thật sự trở thành “dòng chảy” đòi hỏi sự quyết tâm rất cao không chỉ của lãnh đạo, mà còn của cả hệ thống chính trị TP.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Trần Thị Phương Hoa: Mỗi người cần rèn thói quen tiết kiệm 5 năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã và đang triển khai có hiệu quả một số mô hình tiết kiệm: “Lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”, “Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”... Kết quả là đã tiết kiệm được 553,763 tỷ đồng và đã trích 50,639 tỷ đồng tạo nguồn quỹ để chăm lo cho phụ nữ, trẻ em nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. (Hà Linh ghi) Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt: Nhân rộng những mô hình tiết kiệm hiệu quả |