Thương hoài những tiếng rao đêm…
Đã lâu lắm rồi, tôi rất ít nghe thấy tiếng rao đêm, bởi công nghệ đã ảnh hưởng và thay thế nhiều thói quen trong sinh hoạt và đời sống hàng ngày.
Và khi nói đến mùa Đông Hà Nội mà không nhắc đến những tiếng rao đêm thì quả là đã bỏ qua những cung bậc cảm xúc của những thanh âm vô cùng đặc biệt về mảnh đất này. Trong ký ức của nhiều người, trong cái giá lạnh của đêm Đông, những tiếng rao kéo dài: “Ai bánh mì, ai xôi lạc, bánh khúc nóng, ai giày giò đi…”, thường mang đến cảm giác lẫn lộn trong đó có cả sự mong chờ, ngóng đợi có đôi chút buốt giá, thương cảm.
Còn nhớ lúc bé, tôi sống tại khu tập thể công vụ. Ngày đó, bố tôi thường trực đêm nên tôi cũng hay thức muộn vừa để học khuya vừa là mong chờ chút quà nhỏ của bố. Nhớ lại cảm giác chờ mong những hôm trực, bố tôi vòng qua nhà lúc thì đưa cho cái bánh bao, lúc lại cái bánh mì, thật thú vị. Trong những lúc chờ đợi đó, không gian và thời gian về đêm tưởng như tĩnh lặng thì những tiếng rao đêm đã trở thành âm thanh quen thuộc, gắn với bao ký ức và kỷ niệm tuổi thơ tôi.
Tôi còn nhớ có một lần, tôi bị thu hút bởi tiếng rao bánh mì khi đêm về khuya, tiếng rao cứ nhỏ dần… Một dáng hình nhỏ thó, đạp trên chiếc xe mà đằng sau là thúng bánh mì to hơn cả người xuất hiện. Đoán chừng, cậu bé ấy chỉ tầm học lớp 6 - 7 là cùng. Vì thương cảm nên tôi gọi em lại và mua, qua câu chuyện biết em thích học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên em phải đạp xe mấy chục cây số bán bánh phụ mẹ… và rồi những ngày sau thỉnh thoảng khi đi qua, cậu bé ấy cố rao thật to, đi thật chậm để tôi nghe thấy, qua mỗi lần trò chuyện, tôi nhận thấy cậu bé cũng có ước mơ, cũng muốn đến trường…
Thấm thoát 1 - 2 năm không gặp, vào một đêm Đông giá lạnh, nghe tiếng rao quen thuộc, tôi mở cửa sổ ra thì thấy cậu bé ấy quay lại và tặng tôi một tấm gỗ có khắc hình, em nói đó là tác phẩm đầu tay, tặng tôi làm làm kỷ niệm. Em nghĩ kỹ rồi, em sẽ quay lại trường học và thời gian rảnh em đã xin làm phụ bên xưởng gỗ để có thêm thu nhập. Hôm nay là buổi cuối cùng em lấy bánh đi bán, cũng là qua chào tôi vì không biết khi nào gặp lại… Một niềm vui nho nhỏ chào dâng trong tôi.
Thời gian trôi qua, tôi không còn ở ngôi nhà cũ, không còn gặp lại cậu bé năm nào. Cảnh vật giờ đã khác xưa nhưng mỗi lần đi qua nơi ấy, tôi vẫn mường tượng ra khung cửa sổ rộng lớn có một cô bé vẫn đợi mua bánh mì, không chỉ để ăn mà để lắng nghe những câu chuyện và ước mơ cho cậu bé bánh bánh mì năm ấy!
Phố cũ giờ đã mới, những hàng cây đã đi qua bao mùa mưa, nắng, trong tôi mỗi tiếng rao đêm của Hà Nội lại chan chứa biết bao câu chuyện. Tôi có câu chuyện của tôi, bạn có câu chuyện của bạn nhưng tất cả đều nhưng lại in sâu vào tâm trí khiến con người ta bồi hồi, xao xuyến. Trong cái rét đậm, tiếng rao đêm như hoà quyện vào mùa Đông Hà Nội như xé toạc bầu không khí tĩnh lặng của đêm Đông, như thổi thêm hơi ấm vào không gian của tiết trời mùa Đông. Hà Nội bỗng trở nên ấm áp, thân quen hơn trong giáo lạnh…
Ngày nay những tiếng rao dần thay thế bằng tiếng xe máy ù ù trong đêm mang thức ăn nóng hổi đến mọi người. Nhưng trong những khoảng khắc và thời gian nhất định, những tiếng rao đêm với những âm sắc khác nhau tạo nên bản hòa ca tuyệt vời cho Thủ đô. Với sự vận hành và phát triển của xã hội, chỉ vài năm nữa, tiếng rao đêm có lẽ sẽ chỉ còn được gói gọn trong ký ức của những người Hà thành hoài cổ như tem phiếu, tiếng tàu điện leng keng…
Câu chuyện cuộc sống: bản nhạc diệu kỳ
Kinhtedothi - Tuy không nghe hay nói được nhưng Na luôn cảm nhận mọi thứ bằng những âm thanh diệu kỳ của cuộc sống, đưa Na vào thế giới tràn ngập những yêu thương.
Câu chuyện cuộc sống: vạch xuất phát
Kinhtedothi - Khánh Hòa từng là một luật sư thành công, với sự nghiệp đáng mơ ước khi chưa từng thất bại khi bảo vệ thân chủ của mình.
Podcast Tản văn: Viết cho những ngày cuối năm
Kinhtedothi - Những ngày cuối năm của những ngày tháng cũ trôi đi như một khoảng lặng để cho ta nhìn lại những gì đã qua, để ta biết trân quý hơn những tháng ngày yêu dấu cũ, dù là có buồn đau, có yêu thương có nhung nhớ hay có giận hờn, chia xa …