Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thường trực HĐND TP Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm đổi mới hoạt động

Kinhtedothi - Thường trực HĐND 11 tỉnh, TP Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ vừa hội tụ về mảnh đất Thái Bình để trao đổi những kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát - một trong những chức năng quan trọng của HĐND.

Toàn cảnh hội nghị.
Đoàn Thường trực HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn đã dự và có bài tham luận quan trọng về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, thực hiện nghị quyết của HĐND về lĩnh vực kinh tế - ngân sách.
Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội chia sẻ: Với Hà Nội - Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn của cả nước, những hiệu quả toàn diện, chất lượng trong hoạt động giám sát của HĐND TP chính là có sự đồng bộ, tổng thể của tất cả các yếu tố. Kinh nghiệm từ thực tiễn đổi mới hoạt động giám sát của TP đó là giám sát trọng tâm, trọng điểm, rõ mục tiêu, đối tượng; chuẩn bị kỹ càng, triển khai bài bản; thông báo kết luận cụ thể; chú trọng hậu giám sát…
Đặc biệt, các chương trình công tác của HĐND TP đều được xây dựng ngay từ đầu năm theo từng danh mục cụ thể, trong đó phân công các cơ quan chủ trì, phối hợp, tham mưu và ‘‘rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả’’, theo đúng tiến độ, bảo đảm không bị trùng lặp, chồng chéo; không ảnh hưởng đến hoạt động của chủ thể chịu sự giám sát.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND TP đã triển khai nhiều hoạt động giám sát gồm: Xem xét báo cáo và chất vấn tại kỳ họp, giám sát chuyên đề, giải trình; trong đó có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Tại các kỳ họp, HĐND TP đều dành 1 ngày làm việc cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn, các vấn đề liên quan đến kinh tế, ngân sách (quản lý chợ gắn với hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, nợ đọng thuế, phí và các chính sách hỗ trợ DN...).
Thường trực HĐND TP cũng đã tổ chức thành công 3 phiên giải trình, trong đó có 2 phiên về lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Đối với hoạt động giám sát chuyên đề, Thường trực, các ban và tổ ĐB HĐND TP cũng tiến hành nhiều cuộc giám sát, khảo sát các nội dung liên quan đến kinh tế - ngân sách (chiếm trên 60%). Trong đó, HĐND TP tổ chức 6/9 cuộc giám sát chuyên đề về kinh tế - ngân sách; Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Đô thị tổ chức 41 cuộc giám sát, khảo sát; các tổ ĐB HĐND TP tổ chức được 15 cuộc giám sát có nội dung liên quan...
Cũng theo Thường trực HĐND TP, đề nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách, cần xác định và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm và đề cao tính chủ động của Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban, đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là đối với những nội dung giám sát có tính nhạy cảm, phức tạp; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị như: Đoàn ĐB Quốc hội, Ủy ban MTTQ, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư, các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Đồng thời, các hoạt động giám sát của Thường trực, các ban, tổ ĐB HĐND TP phải được thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch; tiếp tục nâng cao năng lực giám sát, chủ động linh hoạt đổi mới từ nội dung, phương thức tổ chức thực hiện giám sát theo hướng nhóm vấn đề đi vào trọng tâm, trọng điểm, công khai, dân chủ, hiệu quả, vì dân, sát dân và gắn với thực tiễn cơ sở. Các kết luận giám sát phải cụ thể, rõ trách nhiệm của các đơn vị, rõ lộ trình yêu cầu khắc phục để các đơn vị phải triển khai thực hiện tránh chung chung, hình thức; tăng cường tái giám sát, theo đến cùng việc thực hiện kết luận giám sát; kiến nghị nghiêm túc xử lý theo quy định nếu chủ thể chịu sự giám sát chưa triển khai thực hiện hoặc chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Về lâu dài, đại diện Thường trực HĐND TP kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng giảm hợp lý số ĐB HĐND, và giảm ĐB HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, tăng số ĐB chuyên trách theo tinh thần Nghị quyết 18 ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 (khóa XII). Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách đặc thù quy định cụ thể trong Luật cho các đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cũng tại hội nghị, Ban Công tác đại biểu của UBTV Quốc hội cùng Thường trực HĐND các tỉnh, TP trong vùng đã có các bài phát biểu tham luận về kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.
Theo nhiều đại biểu, yếu tố quan trọng nhất để hoạt động giám sát đi vào thực chất, hiệu quả là phải bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động giám sát của HĐND. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND phải lựa chọn được nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hợp lý; lựa chọn vấn đề giám sát có trọng tâm, trọng điểm là những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, bức xúc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.
Đồng thời, cần không ngừng đổi mới phương thức tổ chức giám sát song phải bảo đảm tính hợp lý, cụ thể, chính xác, hiệu quả, đồng hành và chia sẻ trách nhiệm; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, năng lực, trình độ của ĐB HĐND, thành viên các ban HĐND, tổ ĐB HĐND trong công tác giám sát. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện các kết luận sau giám sát; chuẩn bị tốt việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của HĐND đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu của công tác đánh giá cán bộ…
Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình đã trao cờ đăng cai tổ chức hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ