Saturday, 09:52 26/10/2019
[Tiếng dân] Băn khoăn từ ghế giảng đường
Kinhtedothi - Dự thảo lần 1 Thông tư về nội dung chính của văn bằng ĐH vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến đã khiến cho giảng viên, sinh viên bàn tán sôi nổi từ giảng đường, KTX, cả bến xe buýt.
Bằng tốt nghiệp trình độ đại học (ĐH) sẽ không ghi loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, không phân biệt chính quy hay tại chức, đào tạo từ xa, sinh viên tốt nghiệp đại học đều được cấp chung bằng cử nhân… là những vấn đề quá mới đối với Việt Nam.
Trước hết, phải hiểu văn bằng là một chứng chỉ đào tạo thuộc phạm trù vĩnh viễn, còn năng lực của người được cấp bằng là phạm trù thời gian, có thể thay đổi theo thời gian. Nên các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng không xếp hạng năng lực người học trên văn bằng.
Mặc dù cơ quan soạn thảo là Bộ GD&ĐT lý giải dự thảo như vậy là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới nhưng mọi người vẫn chưa thông. Đầu tiên là ở Việt Nam, đầu vào của hệ tại chức thấp hơn chính quy, tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo khác nhau nhưng bằng lại giống nhau là điều khiến mọi người băn khoăn.
Nếu bằng tại chức và chính quy có giá trị như nhau thì cần phải nâng cao chất lượng đào tạo tại chức, tổ chức các kỳ thi chung với hệ chính quy. Đây là điều mà khá nhiều người trong cuộc nghi ngại về tính khả thi, nếu không thực hiện được thì đấy là sự bất hợp lý lớn nhất của giáo dục đại học.
Bộ GD&ĐT dự thảo hai thông tư liên quan tới việc cấp bằng, phụ lục văn bằng. Theo đó, ngoài bằng cử nhân thì điểm học tập của sinh viên sẽ được ghi trên phụ lục văn bằng. Nhưng Bộ GD&ĐT lại không nói rõ về thông tư ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp các cấp từ THCS đến ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân - đang chuẩn bị ban hành đã khiến dư luận băn khoăn.
Ngay bằng ĐH còn bị làm giả, tẩy sửa thì cách quản lý phụ lục văn bằng được Bộ quy định như thế nào để chặt chẽ, đảm bảo sự tin cậy về thông tin trên hồ sơ là cả vấn đề lớn. Nhiều nhà tuyển dụng đều cho rằng cần có quy trình quản lý hồ sơ của người học chặt chẽ, minh bạch.
Khá nhiều quốc gia, phụ lục văn bằng (bao gồm ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, nơi tổ chức đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo, thông tin về kết quả học tập, tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy…) được bảo quản theo chế độ mật, từ trường ĐH đến với nhà tuyển dụng, không giao cho các cử nhân.
Đúng là nhiều quốc gia đã bỏ bằng kỹ sư, sinh viên theo học học ngành kỹ thuật khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân kỹ thuật. Hệ thống văn bằng chỉ còn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, một số nước như Pháp thì bằng kỹ sư được Hội nghề nghiệp cấp sau khi đi làm vài năm và trải qua kỳ sát hạch, kỹ sư được xem ngang thạc sĩ, được coi như văn bằng sau ĐH. Cái chính là chúng ta phải quy định rõ quá trình chuyển tiếp như thế nào để khỏi nhẫm lẫn bằng “kỹ sư cũ” và “kỹ sư mới”.
Ngay ĐH Y, hiện đào tạo có cử nhân y khoa mất 4 năm, trong đó bác sĩ y khoa mất 6 năm. Nếu không làm rõ, cử nhân y khoa 4 năm ra trường trước, lại đi chỉ đạo chuyên môn cử nhân y khoa 6 năm.
Rõ ràng, trong quá trình hội nhập, chúng ta phải tiếp thu cái hay, cái tốt của thế giới nhưng cũng cần tính kỹ đến điều kiện riêng của Việt Nam, tránh tạo sự bất công khi thực thi.