Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Kinhtedothi - Sáng 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới....
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhà nước.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quý I/2023 tăng trưởng kinh tế nước ta thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chúng ta phải đánh giá, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, trong đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản pháp lý, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn thực hiện các giải pháp liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro". Cần tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách đã ban hành, đồng thời xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới đột phá, đưa các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các thị trường có thêm nguồn lực, động lực để phát triển, tăng cả tổng cầu, tổng cung, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản, chỉ đạo đã ban hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý; chủ trì tổ chức thực hiện, đồng thời kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành" đối với thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Theo đó, đối với thị trường tài chính: Hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giảm sát thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật; nhất là việc giảm lãi suất huy động và cho vay, bảo đảm cân đối, hài hoà giữa tỉ giá và lãi suất, giữa lãi suất và lạm phát, tăng khả năng tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Điều quan trọng là phải đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có điều kiện, khả năng thanh toán cho các trái chủ theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường niềm tin của thị trường. Bộ Tài chính cần phát huy vai trò chủ động hơn nữa, thảo luận với với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái chủ để tìm ra tiếng nói chung, giải pháp chung trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Đối với thị trường bất động sản: Ngoài tháo gỡ về pháp lý, cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành các công trình, dự án đưa các sản phẩm vào thị trường. Cùng với đó, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, làm tốt công tác quy hoạch. Doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi, tiêu cực.
Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số…; giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.
Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để có đề xuất điều chỉnh phù hợp; kịp thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiên định, nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng.
Hoàn Kiếm: Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh
Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh yêu cầu Đảng ủy khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tích cực tham mưu Quận ủy- UBND quận đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn quận phát triển sản xuất kinh doanh..
Xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tại huyện Đông Anh
Kinhtedothi – Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra 942 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được tăng cường.
Cạn tiền, đói đơn hàng, doanh nghiệp chật vật duy trì sản xuất kinh doanh
Kinhtedothi - Doanh nghiệp ở nhiều ngành sản xuất chủ lực đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Đó là tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, cạn kiệt dòng tiền. Điều này khiến phần lớn doanh nghiệp phải chật vật duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.