Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tiêu điểm tuần qua: Khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng

Kinhtedothi - Khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng; Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XV; Tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy từ 1 - 2 tháng; Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu làm rõ trách nhiệm việc lát đá vỉa hè... là nội dung chú ý tuần qua.

Khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng. Nguồn Internet
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 8/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định Khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Đinh La Thăng liên quan đến 2 vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank);
Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Ngày 8/12, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Quốc Khánh (sinh ngày 2/9/1960, trú tại Phòng 2801, nhà A, 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Khánh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ ngày 12/1/2016. Ngày 9/3/2017, Thủ tướng đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg về việc thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương. Ông Nguyễn Quốc Khánh quê ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp kỹ sư địa vật lý chuyên ngành thăm dò địa chất dầu khí tại Đại học Dầu khí Baku (Liên Xô cũ)...

Vào đêm 8/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng (SN 1962), Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà về hành vi tham ô tài sản.

Ông Đinh Mạnh Thắng là em trai của ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Một lãnh đạo Bộ Công an xác nhận thông tin nêu trên và cho biết, ông Thắng bị bắt do các sai phạm có liên quan đến vụ án Cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra Tổng công ty xây lắp dầu khí VN (PVC).
Được biết Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà là doanh nghiệp liên doanh giữa tập đoàn dầu khí VN và Tổng Công ty Sông Đà. Đây cũng là những doanh nghiệp Nhà nước lớn mà ông Đinh La Thăng đã công tác và giữ trọng trách là người đứng đầu.
Kỳ họp thứ năm HĐND TP Hà Nội khóa XV từ 4-6/12
  Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu.
Phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ năm HĐND TP Hà Nội khóa XV chiều nay (6/12), Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Sau 3 ngày làm việc tích cực, trách nhiệm, đổi mới, Kỳ họp thứ năm HĐND TP khóa XV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy trong phiên khai mạc, HĐND TP đã thảo luận và quyết nghị Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2018, với tinh thần rất đổi mới, thông qua 20 chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ trọng tâm, 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như: Chú trọng nâng cao kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ tại các cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là người đứng đầu; tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính; thực hiện tốt việc phân cấp cho cơ sở, gắn với bảo đảm các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Cũng trong Kỳ họp này, với sự đổi mới trong công tác điều hành, sự chỉ đạo thực hiện nghiêm túc của UBND TP và các Ban của HĐND TP, với quyết tâm cao, HĐND TP cũng đã quyết định thông qua 16 nghị quyết quan trọng theo quy định của Luật.
Những nghị quyết được ban hành là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để TP sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực và tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của TP. Cũng trong Kỳ họp này, HĐND TP thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền, tiến hành cho thôi làm đại biểu đối với ông Nguyễn Hữu Độ do chuyển công tác; miễn nhiệm 1 ủy viên UBND TP do nghỉ hưu theo chế độ và bầu bổ sung 3 ủy viên UBND TP. Tại kỳ họp, HĐND cũng đã dành 1 ngày chất vấn, và ngay sau Kỳ họp này, HĐND TP sẽ có một nghị quyết chuyên đề riêng về vấn đề chất vấn.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu làm rõ trách nhiệm việc lát đá vỉa hè
Thi công vỉa hè nhếch nhác trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội

Văn phòng UBND TP Hà Nội ngày 8/12 đã phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung liên quan đến việc lát đá vỉa hè, gây dư luận xấu trong thời gian vừa qua.

Theo đó, UBND TP Hà Nội khẳng định, chủ trương thiết kế hè đường của Hà Nội chỉ triển khai thực hiện tại các tuyến phố có vỉa hè đã xuống cấp; sử dụng vật liệu tự nhiên có độ bền đảm bảo 50 - 70 năm…

Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã khi triển khai công tác cải tạo, chỉnh trang vỉa hè thực hiện chưa đúng, hiểu sai nguyên tắc chỉ đạo trên dẫn đến nhiều tồn tại, hạn chế như hồ sơ thiết kế cải tạo hè, đường còn khá sơ sài, thiếu đánh giá hiện trạng; công tác quản lý chất lượng thi công còn thiếu chặt chẽ, chưa kiểm tra, kiểm soát tốt việc triển khai thi công...

Thậm chí, có địa phương có tư tưởng đầu tư tràn lan, thiếu kiểm tra, chọn lọc theo chỉ đạo chung của TP. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng (XD), các sở, ngành đã thiếu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát vật liệu, quản lý chất lượng thi công… dẫn đến các công trình hư hỏng, xuống cấp. Công tác tuyên truyền, công khai của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về dự án còn thiếu nghiêm túc.

Trước những bất cập trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, phải nắm rõ mục đích yêu cầu và chủ trương, nguyên tắc chỉ đạo của UBND TP trong việc XD, cải tạo, chỉnh trang vỉa hè (sử dụng đá tự nhiên); Không được triển khai thực hiện tràn lan, chỉ được triển khai XD khi đáp ứng yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật (HTKT) (hạ ngầm hệ thống HTKT: cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc, chỉnh trang mặt tiền…).

Chủ tịch UBND TP yêu cầu: UBND các quận, huyện, thị xã, phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rà soát làm rõ trách nhiệm và xử lý việc làm sai trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai của UBND TP về XD hè đường đảm bảo văn minh đô thị; Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 6224/UBND-ĐT ngày 28/10/2017.

Ngưng hiệu lực quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ
 Ngưng hiệu lực quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ. Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ngày 5/12 đã ký ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình, gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua.
Điều 1 Thông tư số 53/TT-BTNMT nêu rõ: “Ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai từ ngày 5/12/2017 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này”.
Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Thông tư 53/2017 (cũng có hiệu lực từ ngày 5/12). UBND các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
“Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết”- Thông tư số 53 nêu rõ.
“Với mong muốn tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận; đồng thời để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện tốt hơn, hiểu chính xác và đầy đủ quy định trong Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường với tinh thần cầu thị, lắng nghe, nghiên cứu và đánh giá kỹ về thực tế triển khai, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian có hiệu lực của quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này”- thông cáo báo chí của Bộ này nêu rõ.
Tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy từ 1 - 2 tháng
BOT Cai Lậy sẽ dừng hoạt động 1-2 tháng để các cơ quan đánh giá toàn diện về dự án.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Bộ GTVT và các cơ quan, ban ngành liên quan về các vấn đề liên quan đến Dự án BOT Cai Lậy diễn ra vào chiều 4/12.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa tái khẳng định tính đúng đắn của Dự án BOT Cai Lậy. Theo đó, đây là dự án được xây dựng theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài xã hội để hiện đại hóa hạ tầng giao thông.

Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành kiểm tra, rà soát một cách toàn diện về dự án này và sẽ báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất. Người đứng đầu ngành GTVT cam kết nếu phát hiện ra cá nhân hoặc tập thể nào sai phạm trong dự án này sẽ kỷ luật nghiêm khắc. Kể cả người sai phạm là Bộ trưởng Bộ GTVT cũng không ngoại lệ.

Sau khi lắng nghe Bộ GTVT trình bày 3 phương án đối với Trạm BOT Cai Lậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định sẽ tạm dừng hoạt động của trạm thu phí này trong vòng 1 - 2 tháng.

Đây là thời gian để Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá tổng thể cơ chế chính sách đầu tư đối với các dự án BOT, đẩy mạnh triển khai việc thu phí không dừng ở những tuyến có điều kiện.

Hát Xoan Phú Thọ trở thành Di sản nhân loại
Hình thức diễn Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương. Ảnh Internet
Ngày 8/12, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, Hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hoá, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau.
Dựa vào kết quả Báo cáo định kỳ quốc gia (năm 2016) về tình trạng của Hát Xoan Phú Thọ và theo đánh giá việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã kết luận di sản Hát Xoan Phú Thọ đã không còn nằm trong Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Hát Xoan không còn cần được bảo vệ khẩn cấp nữa vì những nỗ lực gần đây của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của nó kể từ khi được ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Ví dụ, năm 2009, bốn phường Xoan có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi.
Ngày nay, các phường có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan.
Ngày nay, các phường có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan.
Ngày nay, tổng số 62 người kế nhiệm đã được đào tạo và đều được trang bị đầy đủ để dạy các bài bản của Hát Xoan. Số lượng thanh thiếu niên tham gia phát triển nhanh. Có thể đạt được một số kết quả bảo vệ tốt hơn thông qua sự phối kết hợp với các dự án quốc gia về phát triển bền vững.
Bên cạnh việc ghi danh Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ủy ban Liên Chính phủ cũng lưu ý Việt Nam không chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản như trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách đại diện mà cần tiếp tục hoàn thành việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản như đã được đề cập trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách khẩn cấp năm 2011 và Báo cáo định kỳ quốc gia năm 2016.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo sớm kết luận vụ bé trai bị bạo hành
Bé trai bị bố đẻ bạo hành. 

Theo đó, ngày 5/12/2017, trên địa bàn TP Hà Nội đã phát hiện vụ việc cháu Trần Nguyên Khánh sinh năm 2008, bị bạo hành nghiêm trọng bởi bố đẻ là Trần Hoài Nam, sinh năm 1983 và mẹ kế là Phạm Thị Tú Trinh, sinh năm 1983, tạm trú tại nhà trọ tầng 3, số nhà 41 ngách 8/245 Lạc Long Quân, tổ dân phố số 2 phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, cơ quan công an phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy đã tạm giữ hình sự và thực hiện các biện pháp tố tụng đối với đối tượng vi phạm.

Đây là vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xét tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngay sáng ngày 7/12/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy khẩn trương điều tra, sớm có kết luận và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ cháu Khánh kịp thời, hiệu quả.

Cũng trong ngày 7/12/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố sớm khởi tố điều tra vụ án bạo hành cháu Trần Nguyên Khánh và quan tâm hỗ trợ cháu Khánh một cách kịp thời.

Hiện nay cháu Khánh đã về ở với mẹ đẻ và ông bà ngoại tại số 17A phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ