Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tiêu điểm tuần qua: Lễ truy điệu và an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Kinhtedothi - Lễ truy điệu và an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ diễn ra từ 2-6/10; Thủ tướng phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc... là nội dung chú ý tuần qua.

Lễ truy điệu và an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Đúng 7h30 ngày 27/9, lễ truy điệu cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã được tổ chức theo nghi thức quốc tang tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội). Cùng thời điểm, lễ truy điệu được cử hành trọng thể tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và quê nhà cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

 

Đọc lời điếu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Lễ tang khẳng định, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, vì hạnh phúc cho nhân dân. Sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hơn 45 năm công tác, từ khi là học viên Trường Cảnh sát nhân dân T.Ư đến khi giữ cương vị Chủ tịch nước, cuộc đời và sự nghiệp của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang gắn liền với lực lượng công an nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác, cố Chủ tịch nước là cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng và lợi ích quốc gia, dân tộc, có ý chí chiến đấu cao. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha mẫu mực, đức độ và giàu lòng nhân ái.

“Hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây để bày tỏ lòng tiếc thương và tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi quyết tâm đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn...

Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng ta trân trọng gửi đến gia quyến đồng chí Trần Đại Quang lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Trần Đại Quang của chúng ta”, Tổng Bí thư xúc động nói.

Đại diện gia đình, ông Trần Quân, con trai trưởng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đã gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các ban, bộ, ngành, cơ quan đoàn thể T.Ư, địa phương; lãnh đạo cấp cao các nước, bạn bè quốc tế, các cơ quan ngoại giao đoàn; đồng bào, bạn bè, họ hàng đã đến chia buồn, động viên gia đình vượt qua nỗi mất mát lớn lao.

“Những tình cảm chân thành, chia sẻ sâu sắc, những cử chỉ tốt đẹp mà lãnh đạo các nước, bạn bè quốc tế, đồng chí đồng bào dành cho cha tôi trong những ngày qua cũng chính là dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đất nước và nhân dân Việt Nam anh hùng”, ông Quân nói.

Sau lễ truy điệu, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia đình đi quanh linh cữu lần cuối, tiễn biệt cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đưa linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra linh xa, tiễn đưa Chủ tịch nước về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn xe nghi lễ đưa di hài Chủ tịch nước qua nhà riêng tại số 8 Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân, Hà Nội), qua lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch trước khi rời Hà Nội về Ninh Bình.

Từ sáng sớm, xung quanh các tuyến phố bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) - nơi diễn ra lễ truy điệu, đông đảo người dân Hà Nội đứng chờ tiễn đưa linh cữu Chủ tịch nước về quê nhà. Trong số đó, nhiều người đã từng được gặp, làm việc với cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cũng có những người chưa từng gặp ông.

Dọc những tuyến phố mà đoàn xe nghi lễ đưa di hài của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi qua, nhiều người dân ra đứng hai bên đường, bày tỏ sự trang nghiêm, thành kính, hướng về đoàn xe. Bà Thủy (trú tại phố Trần Khát Trân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết bà cùng con gái và cháu ngoại có mặt trước cổng Nhà tang lễ quốc gia từ lúc 7 giờ 30 sáng qua. “Sự ra đi của ông là mất mát lớn cho dân tộc và nước Việt Nam”, bà Thủy nghẹn ngào.

Tại quê nhà Ninh Bình, mặc dù trời mưa và theo thông báo của Ban tổ chức lễ tang, khoảng đầu giờ chiều 27/9, đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang mới về đến quê nhà nhưng từ sáng sớm, hàng vạn người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đổ về huyện Kim Sơn đứng 2 bên đường dọc tuyến đường từ TT.Phát Diệm (huyện Kim Sơn) xuống xã Quang Thiện để đón đoàn xe. Nhiều người đã cầm theo cờ và di ảnh của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang để đón ông về với quê hương.

Đúng 13h15, đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã về đến quê nhà của ông ở thôn 13, xã Quang Thiện. Ngay sau khi đoàn xe tang đi qua, rất đông người dân đ ã xuống đường đi theo đoàn xe vào khu vực tổ chức lễ an táng.

Theo Ban tổ chức lễ tang, trong 2 ngày 26 - 27/9, đã có 1.658 đoàn trong nước và quốc tế, ước tính khoảng 50.000 người đã đến viếng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và quê nhà. Đã có 164 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế, 16 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến viếng.

Ngày 27/9, Bộ Ngoại giao cho biết: Từ ngày 26/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức trọng thể lễ viếng và mở sổ tang cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ngay trong ngày, đại diện các cơ quan chính quyền Mỹ, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Washington D.C đã đến viếng và ký sổ tang.

Trong đó có Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Joseph Felter, quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Patricia Mahoney, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN Alexander Feldman, đại diện Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Mỹ; Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN và các quốc gia khác cùng đại diện bà con Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Washington D.C.

Đúng 8 giờ sáng 26/9 (theo giờ Mông Cổ - khoảng 7 giờ theo giờ Việt Nam), lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã được tổ chức trang trọng tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ. Nhiều cơ quan của nhà nước Mông Cổ, các cơ quan đại diện ngoại giao của nhiều nước tại Mông Cổ, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Mông Cổ, Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, Hội Du học sinh Mông Cổ tại Việt Nam, các cựu đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam, các nhân sĩ, trí thức và chức sắc tôn giáo của Mông Cổ và đông đảo người dân VN đang sinh sống, làm việc tại Mông Cổ đã đến viếng, ghi sổ tang trong niềm tiếc thương vô hạn.

Cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique, Hà Lan, Maldives, Sri Lanka... cũng đã tổ chức trang trọng lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại trụ sở đại sứ quán.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ diễn ra từ 2-6/10

Sáng 28/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

 Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang khẳng định, đây là hoạt động nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong sinh hoạt, nghị sự, mối quan hệ của Đảng với nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Hội nghị Trung ương 8 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2-6/10, tham dự gồm 223 đại biểu, trong đó có 196 Ủy viên Trung ương.

Tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ xem xét các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2019; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; xem xét công tác nhân sự cùng các nội dung quan trọng khác.

Dự kiến, Trung ương sẽ kết luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2019; ban hành Nghị quyết Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam...

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương xem xét quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Ông Vũ Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được chuẩn bị từ đầu năm, đến nay cơ bản đã hoàn thành sau khi tham vấn, xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo trước khi trình Trung ương.

Theo tinh thần chỉ đạo, quy định này được thiết kế nhấn mạnh đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có quy định chung cho cán bộ, đảng viên là: Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Quy định trách nhiệm nêu gương của từng Ủy viên được xây dựng theo nguyên lý: “Có xây có chống, xây trước, chống sau”. Theo đó, các đồng chí Ủy viên phải gương mẫu thực hiện 9 điểm liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, chức trách, nhiệm vụ, gia đình…

Quy định “chống” để thực hiện trách nhiệm nêu gương được xây dựng theo nguyên lý “từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Tung ương phải nghiêm khắc với bản thân (không nên làm, không được làm) và kiên quyết chống.

“Song song với quy định mới này, Quy định 101/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương (Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp) và Quy định 105/QĐ-TW năm 2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử) vẫn phát huy tác dụng và được thực hiện”, ông Vũ Thanh Sơn nhấn mạnh.

Trước băn khoăn về chế tài để đảm bảo hiệu quả thực hiện quy định, ông Sơn cho biết, chế tài trong quy định mới này “mang tính gắn với công tác kiểm điểm cá nhân và thi đua hàng năm. Nếu các đồng chí Ủy viên vi phạm các quy định đã có các chế tài tương ứng trong các văn bản quy phạm pháp luật”...

Thủ tướng: Phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình

Sáng 28/9 (giờ Việt Nam), phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 73 ở New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao

Đại hội đồng LHQ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho rằng ngày nay Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng.

Thủ tướng cho rằng ngày nay Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng.

Thủ tướng nêu rõ: “Không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Tôi đề nghị vấn đề ‘trách nhiệm kép’, mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu”.

Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của LHQ và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vì một thế giới hoà bình, công bằng và phát triển bền vững. Các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. Đại hội đồng LHQ hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.

Hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình, thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình.

Hà Nội tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao trên các lĩnh vực

Chiều 28/9, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2018, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản, Ngô Văn Quý; đại diện các sở, ban, ngành TP; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc TP…

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 9 tháng đầu năm 2018 của TP, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; thu hút đầu tư tiếp tục tăng mạnh; các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động tốt, đảm bảo cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh; giá cả hàng hóa và dịch vụ cơ bản ổn định; công nghiệp, thương mại và du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ; nông nghiệp phát triển tốt, hướng vào năng suất, chất lượng…

Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê, GRDP trên địa bàn 9 tháng đầu năm tính theo phương pháp mới ước tăng 7,17% (cùng kỳ 6,87%), trong đó: Dịch vụ ước tăng 7,11% (cùng kỳ: 6,48%); Công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,81% (cùng kỳ: 8,18%), trong đó công nghiệp ước tăng 7,7% (cùng kỳ: 7,38%), xây dựng ước tăng 8,1% (cùng kỳ: 10,45%); Nông - lâm - thủy sản ước tăng 3,37% (cùng kỳ: 2,34%); Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,9%, (cùng kỳ: 8,11%).

Trong 9 tháng qua, TP cũng đã ban hành Quyết định thành lập 5 CCN, hoàn thành thẩm định thành lập 6 CCN và đang tổ chức thẩm định 13 CCN. Cung ứng điện năng được đảm bảo tốt, không để thiếu hụt trong những đợt cao điểm.

Thị trường hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng; giá cả thị trường cơ bản ổn định; không xảy ra hiện tượng thiếu hàng và tăng giá đột biến trong các dịp cao điểm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm tăng khoảng 3,94 - 3,98% (cùng kỳ: 3,51%).

Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, ước 9 tháng đạt 10,51 tỷ USD, tăng 21,6% (cùng kỳ: 8,7%). Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 22,49 tỷ USD, tăng 6,5%, thấp hơn mức cùng kỳ (22,6%).

Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhất là khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm, TP đã đón 19,7 triệu lượt khách, tăng 9,2%, trong đó 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 57,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%.

Việc thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được TP quan tâm chỉ đạo toàn diện. TP đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đồng thời tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, TP đã tổ chức rà soát, phân loại để xử lý các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất chậm triển khai thực hiện gây bức xúc trong Nhân dân.

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền, tổng vốn đầu tư xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện 219,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,265 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ, tạm vượt lên đứng đầu cả nước.

Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 70 dự án, tổng mức đầu tư 162,7 nghìn tỷ đồng; có 41 dự án điều chỉnh quy mô vốn, tăng 86,3 nghìn tỷ đồng. Đối với các dự án PPP, TP đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 4 dự án, tổng mức đầu tư 14,4 nghìn tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án, tổng mức đầu tư 13,9 nghìn tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2018. TP tiếp tục duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Số DN thành lập mới ước đạt 18,68 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký 204,53 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và 39% về vốn đăng ký, nâng tổng số DN trên địa bàn lên con số 248,75 nghìn DN.

Đến nay TP có 4 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,16%. Trong số 92 xã còn lại, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 36 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 18 - 19 tiêu chí/xã. Dự kiến cuối năm 2018, có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324/386, chiếm 83,94%; có thêm 4 huyện đạt chuẩn, nâng tổng số lên 8 huyện.

Đánh giá về khả năng hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch năm 2018, báo cáo của TP nhận định: Trên cơ sở các kết quả đạt được 9 tháng đầu năm, đồng thời triển khai quyết liệt các nhiệm vụ còn lại trong 3 tháng cuối năm, dự kiến tăng trưởng GRDP năm 2018 đạt từ 7,35% trở lên, hoàn thành mục tiêu từ 7,3-7,8%; 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó 04 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là: Kim ngạch xuất khẩu (tăng 24,5%; kế hoạch đề ra là 7,5 - 8,0%); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (giảm 0,3%; kế hoạch là giảm 0,1%);

Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm (90 trường; kế hoạch là 80 trường); Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm (30 xã, kế hoạch là 26 xã). Dự kiến 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là “Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với cụm đã đi vào hoạt động (đạt 58,1%, kế hoạch là 60,5%).

Khẩn trương điều tra vụ việc báo chí nêu về “bảo kê” tại chợ Long Biên

Chiều 28/9, tại Hội nghị giao ban trực tuyển của UBND TP, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu Công an TP khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc báo chí nêu về dấu hiệu “bảo kê” tại chợ Long Biên; yêu cầu lãnh đạo quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, ngay sau khi có thông tin báo chí, truyền hình đưa về vấn đề “bảo kê”, bến bãi tại chợ Long Biên, quận đã có văn bản yêu cầu Công an quận, quản quản ý chợ, các ngành kiểm tra và phối hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch giao Công an TP điều tra. Từ ngày 20/9 đến nay, Công an quận và Công an TP đang tích cực điều tra, làm rõ có hay không hành vi “bảo kê”.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ: Những phản ánh của báo chí là có cơ sở. Chủ tịch UBND TP đề nghị về trách nhiệm quản lý nhà nước, Chủ tịch UBND quận Ba Đình báo cáo Bí thư quận ủy khẩn trương chỉ đạo Ban quản lý chợ Long Biên, phòng Kinh tế quận, Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách lĩnh vực cũng Chủ tịch quận, cần kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Thành ủy và UBND trước ngày 5/10.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu quận Ba Đình phải chỉ đạo lực lượng công an quận khẩn trương điều ra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật, không để tình trạng này tái diễn. Đồng thời cùng các lực lượng chức năng hướng dẫn, giám sát các xe chở hàng vào, đảm bảo sắp xếp ổn định tại chợ, không để xảy ra tình trạng cưỡng đoạt.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Công an TP chủ trì cùng công an quận Ba Đình khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, trả lời trước công luận.

Hà Nội: Khởi tố hình sự vụ rơi thanh sắt khiến một phụ nữ tử vong

Liên quan đến vụ thanh sắt rơi khiến người phụ nữ tử vong trên đường Lê Văn Lương, cơ quan CSĐT - Công an quận Thanh Xuân cho biết, đơn vị đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”.

 

Về vụ việc, trước đó, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã có báo cáo: Khoảng 18 giờ ngày 27/9, đã xảy ra vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê, khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương. Qua kiểm tra thực tế, Công trình xây dựng Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu & Đầu tư Sao Mai (địa chỉ: Số 7/10/16 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình) làm chủ đầu tư. Nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là Công ty CP Thương mại Phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP (địa chỉ: Tổ 3 Trần Phú, quận Hoàng Mai).

Công trình được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 36/GPXD ngày 26/6/2013 với quy mô 16 tầng và 2 tầng hầm. Hiện công trình đã thi công xong phần thô và đang trong quá trình thi công hoàn thiện, lắp kính mặt ngoài tòa nhà.

Ngày 27/9, theo tiến độ thi công của dự án, một số công nhân được phân công lắp kính mặt ngoài tầng 5, 6, 7 của tòa nhà. Quá trình lắp kính, các công nhân sử dụng hệ thống Gondola (sàn làm việc chuyên dụng trên cao) từ tầng 16 để di chuyển phía ngoài tòa nhà.

Đến khoảng 18h cùng ngày, khi lắp kính đến tầng 7, công nhân thấy đến giờ nghỉ nên điều khiển để sàn thao tác xuống tầng 6 cho mọi người xuống thì bất ngờ cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương trúng vào chị Dương Thị Hằng (SN 1987; HKTT: Thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) đang điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Lead BKS: 99R1-6939 và ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1956; trú tại 147 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) đang điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda BKS: 30K4-0255 lưu thông trên đường Lê Văn Lương hướng đi Láng Hạ.

Hậu quả khiến chị Dương Thị Hằng ngã xuống đường tử vong tại chỗ (hiện nạn nhân đã được đưa đến Trung tâm Pháp y Hà Nội); ông Nguyễn Hùng Cường bị xây xát bầm tím ở tay và được cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa, hiện đã được xuất viện.

Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định do bộ phận giữ của hệ thống sàn treo gondola phục vụ việc thi công hạng mục vách kính tại công trình bị bật khỏi vị trí và rơi xuống đường giao thông.

Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Công an quận và UBND phường, Công an phường Nhân Chính xuống ngay hiện trường nắm bắt tình hình, bố trí lực lượng đưa người bị thương đi cấp cứu, phân luồng giao thông, bảo vệ hiện trường và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Về phía đơn vị thi công gây ra vụ tai nạn lao động, sau khi tai nạn xảy ra, Công ty cổ phần thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP cũng đã khẩn trương đưa người bị thương đi cấp cứu và đã chủ động nỗ lực khắc phục. Đồng thời báo cáo chủ đầu tư, cơ quan chính quyền địa phương, thực hiện các thủ tục chu đáo theo đúng lễ nghĩa Việt Nam và các quy định theo pháp luật đối với người tử vong.

Công ty cổ phần Thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP thừa nhận: Việc xảy ra tai nạn chết người hoàn toàn do lỗi của đơn vị đã chủ quan trong quá trình dịch chuyển thiết bị. Do vậy, Công ty cổ phần Thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Thanh Xuân tiếp tục điều ra, làm rõ.

Đề nghị Bộ Công an xử lý ôtô dùng biển 'xe hộ đê' giả
Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng ký gửi Bộ Công an ngày 25/9, thông tin việc báo chí phản ánh tình trạng nhiều xe sử dụng biển hộ đê giả đang lưu hành, nhằm trốn mua vé, lách luật tại các trạm thu phí đường bộ.

Do vậy, ông Thắng đề nghị Bộ Công an giao cơ quan chức năng thuộc Bộ, phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai của Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan xác minh danh sách xe hộ đê giả. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an có chế tài xử lý và giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng biển xe hộ đê giả nêu trên.
Ông Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) cho biết, về vấn đề lợi dụng biển “xe hộ đê” để trốn phí trạm thu phí. Theo ông Quang, Bộ NN&PTNT đã có quy định chặt chẽ về đối tượng được cấp và việc tổ chức cấp biển. Đến thời điểm hiện nay, Bộ mới cấp cho 568 biển “xe hộ đê” trên tổng số 858 xe đề nghị.
Đối với các địa phương, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng có văn bản quán triệt việc cấp và sử dụng biển số xe ưu tiên do địa phương cấp. Theo đó, các địa phương kiểm tra, rà soát việc cấp, quản lý, sử dụng biển 'xe hộ đê' thuộc thẩm quyền cấp của địa phương theo đúng quy định, kiên quyết thu hồi các biển xe cấp sai đối tượng và sai mục đích sử dụng.
Các địa phương thông báo đến các trạm thu phí trên địa bàn để theo dõi các xe dùng 'biển hộ đê' đi qua trạm, nếu phát hiện xe sử dụng biển hộ đê giả hoặc không đúng mục đích, cần thông báo đến cơ quan chức năng để kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định.
Thông tin từ Công ty Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho thấy, năm 2016 có 37.538 lượt xe hộ đê lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được miễn phí. Năm 2017 là 25.103 lượt xe và 8 tháng đầu năm 2018 là 4.294 lượt xe hộ đê được miễn phí.
Theo Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, so với con số Công ty Quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cung cấp, số lượt xe chạy trên tuyến đường này năm 2018 chỉ chiếm 25% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 17% so với năm 2016, mặc dù lượng xe lưu thông trên tuyến đường này hiện nay đã tăng đáng kể.
Về việc một số xe biển trắng nhưng lại mang phù hiệu biển “xe hộ đê” của Trung ương để lưu thông qua các trạm thu phí, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai khẳng định, Cục này đã rà soát và khẳng định không cấp biển “xe hộ đê” cho các xe có biển kiểm soát sau: 30E-558.19, 30E-850.86, 14A-048.67, 15A-154.68, 15A-326.89, 29D-07.95, 29U-5069.
Cục này cũng đề nghị các trạm kiểm soát cũng như các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý theo quy định với những xe vi phạm.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ