Tìm giải pháp giảm bớt thiệt hại của các dự án thua lỗ nghìn tỷ
Để khắc phục thiệt hại tại các dự án thua lỗ do Bộ Công Thương quản lý, Bộ này cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp cùng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đang quản lý những dự án tồn đọng tổ chức kiểm tra đánh giá toàn bộ dự án về giá trị tài sản, tính khả thi, hiệu quả của dự án… để tìm ra giải pháp thu hồi lại tài sản Nhà nước.
Nếu dự án còn khả thi, có cơ hội hồi phục và phát triển, sẽ có các giải pháp để thực hiện. Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tập thể đơn vị có liên quan đến các dự án để có biện pháp xử lý phù hợp trong thời gian sớm…
Mặc dù đến nay, Bộ Công Thương chưa có công bố chính thức về phương án xử lý 12 dự án kém hiệu quả của bộ, nhưng có thể thấy, Bộ cùng các doanh nghiệp đang rất nỗ lực xử lý các dự án này.
Dự án đầu tư mở rộng và nâng công suất Nhà máy phân đạm Hà Bắc từ 180.000 lên 500.000 tấn/năm là dự án trọng điểm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với tổng mức đầu tư trên 568 triệu USD. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) |
Các dự án, nhà máy nghìn tỷ thua lỗ thuộc ngành công thương bao gồm Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; Nhà máy Đạm Ninh Bình; Nhà máy Đạm Hà Bắc; Nhà máy Đạm DAP 1 Lào Cai; Nhà máy Đạm DAP 2 Hải Phòng; Nhà máy Ethanol Bình Phước; Nhà máy Ethanol Phú Thọ; Nhà máy Đóng tàu Dung Quất; Dự án Liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Theo báo cáo từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với 5 dự án của Tập đoàn, nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ vẫn đang dừng hoạt động, mặc dù Tập đoàn đã có nhiều giải pháp tháo gỡ và báo cáo các phương án đối với Công ty cổ phần Hóa dầu và Sơ sợi Đình Vũ (PVTex).
Còn các dự án nhiên liệu sinh học tiếp tục gặp khó khăn, Tập đoàn, Bộ Công Thương đã có báo cáo và đề xuất phương án xử lý với từng dự án trình Chính phủ xem xét. Hiện tại Chính phủ đang xem xét, quyết định.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi tiếp tục dừng hoạt động và chưa xác định thời gian vận hành trở lại.
Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ hiện Chính phủ đang xem xét, quyết định; trong đó, phương án phá sản là rất cao. Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước do nhà đầu tư nước ngoài Toyo Thái Lan có quyền chi phối quyết định và hiện nhà máy vẫn dừng hoạt động.
Tập đoàn Dầu khí cho biết, Tập đoàn sẽ tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp rõ ràng về 5 dự án yếu kém của Tập đoàn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu PVN phải tích cực xử lý các tồn tại, yếu kém này và một số dự án đang tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ để đảm bảo ổn định và phát triển.
Về phía các dự án thua lỗ của ngành hóa chất, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng cho biết, trong thời gian qua, Tập đoàn có 4 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Các đơn vị này đều sản xuất phân bón, được đầu tư bài bản với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng hiệu quả kinh tế lại không đạt như kỳ vọng, liên tục thua lỗ sau khi đi vào hoạt động thương mại.
Nguyên nhân là do giá bán phân bón giảm mạnh trong thời gian qua, đặc biệt phân ure và DAP do ảnh hưởng từ giá dầu giảm.
Bên cạnh đó, sản xuất phân đạm từ than gặp bất lợi so với sản xuất phân đạm từ khí do giá khí liên tục giảm theo giá dầu, còn giá than không được giảm.
Hiện, Tập đoàn Hóa chất đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Chính phủ xem xét cho phép lùi thời hạn thực hiện cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình vào giai đoạn sau từ năm 2016-2020 khi những khó khăn của Công ty được tháo gỡ và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty có lãi, đảm bảo cổ phần hóa có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục thực hiện phương án giám sát tài chính đặc biệt đối với Công ty Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP số 2-Vinachem, đồng thời, yêu cầu các đơn vị này xây dựng phương án tái cơ cấu lại tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính làm cơ sở để triển khai thực hiện…
Đối với Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, lãnh đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng cho hay, đơn vị tập trung xử lý, dồn mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng kiến nghị với Chính phủ và Bộ Công Thương tạo điều kiện giúp đỡ để dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 sớm triển khai, tái khởi động trở lại…
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu cần thì phải cắt bỏ các dự án, dừng rót thêm vốn, cho dù số tiền đầu tư đã giải ngân thời gian qua cho các dự án là rất lớn. Còn dự án nào có được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài thì cổ phần hóa để họ đầu tư tiếp là một phương án tốt.
Cơ quan chức năng cần phải tiến hành rà soát ngay một cách nghiêm túc và khách quan tất cả các dự án này. Xem nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm do đâu và đánh giá tác động của dự án để có phương án giải quyết cho phù hợp.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, đơn cử như dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2) có thể chuyển sang thực hiện chủ yếu sản xuất thép đặc chủng, chuyên cung cấp cho đóng tàu, chế tạo thiết bị quân sự và tàu cá biển lớn, cũng như thép cao cấp phục vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển đáp ứng nhu cầu đóng tàu vươn khơi hiện đang nóng và những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và hỗ trợ có nhu cầu ngày càng cao, có triển vọng xuất khẩu.
Một số dự án khác như sản xuất đạm, nhiên liệu sinh học thì thúc đẩy cổ phần hóa và cải thiện hoạt động để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đất nước, tiến tới xuất khẩu. Còn lại các dự án khác thì có thể cổ phần hóa, sáp nhập, thậm chí phá sản…
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cũng cho biết thêm, về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và đổi mới cơ chế quản lý nhằm siết chặt kỷ cương và nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công, ngăn chặn ngay từ đầu, không cho phép lặp lại và có thêm những dự án thua lỗ nghìn tỷ.