Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tìm nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho doanh nghiệp

Chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ đã chỉ rõ nhiệm vụ phải tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông xung quanh nội dung này.
- Theo yêu cầu của Chính phủ, các Bộ, ngành phải xây dựng chương trình hành động thực hiện nhiệm Nghị quyết 35. Vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 tại Quyết định số 922/QĐ-BKHĐT ngày 30/6/2016, đảm bảo đúng yêu cầu về thời gian, nội dung nhiệm vụ được giao. Đồng thời, quán triệt tinh thần Nghị quyết 35 cho cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hai Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 7/2016.
 Ảnh chỉ có tính minh họa.
- Một trong những nội dung được Nghị quyết 35 đề cập là tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Xin ông cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nội dung này như thế nào?
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Trong chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ đã chỉ ra rất rõ những nội dung đề cập nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, Bộ đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đề xuất biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia và các quỹ của khu vực tư nhân nhằm tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đồng thời, xây dựng cơ chế tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ như thế nào trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đảm bảo quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội?
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Nhằm đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho Chính phủ những nội dung như sau trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện quy định về thủ tục phá sản doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc thực hiện phá sản.
Bên cạnh đó, kiện toàn Hội đồng Khuyến khích Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng, có sự tham gia của các Bộ, ngành, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện vai trò điều phối, giám sát thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi toàn quốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2016.
Đồng thời, xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển. Hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xã hội phát triển và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường...
- Trong quá trình rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, theo Thứ trưởng, cần bổ sung, hoàn thiện về chính sách hay không?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông:
 Doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là khu vực chủ yếu trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đống góp vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, đến nay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập; đóng góp 49% GDP, khoảng 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và tạo ra khoảng 45% tổng số việc làm trong khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, bất cập về khung pháp lý, nguồn lực và tổ chức thực hiện. Về khung chính sách, Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản liên quan mới mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, chưa quy định nguồn lực thực hiện.
Trong khi đó, các chính sách, chương trình hỗ trợ ngành, lĩnh vực (về thuế, tín dụng, đầu tư, đất đai, khoa học công nghệ...) chủ yếu lại được quy định tại văn bản luật. Dẫn đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay (ở cấp nghị định) có hiệu lực thực thi thấp, gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong thực hiện. Việc tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể diễn ra chậm.
Kinh phí hỗ trợ cũng thấp, chủ yếu là lồng ghép vào các chính sách, chương trình hỗ trợ ngành, lĩnh vực có đối tượng rộng, chưa tập trung. Việc triển khai tại các địa phương chưa mạnh và không đồng đều. Dẫn đến hiệu quả triển khai thấp, thực hiện manh mún, dàn trải, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận.
Để giải quyết những bất cập, hạn chế trên, cần phải có khung pháp lý cao, ổn định và lâu dài để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp trình Quốc hội; trong đó, quy định rõ những chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, thông tin, tư vấn, đào tạo, thị trường... Qua đó vừa thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp vừa nâng cao năng lực quản lý của nhà nước vừa đảm bảo kinh tế tăng trưởng theo chất lượng và tính hiệu quả, bền vững.

- Xin cám ơn Thứ trưởng!
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ