Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tín ngưỡng thờ Mẫu và giá trị cốt lõi

Kinhtedothi - Việt Nam là đất nước đa dân tộc, tồn tại nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Trong đó, tín ngưỡng thờ Mẫu, mang hình thức tín ngưỡng bản địa, của cư dân nông nghiệp và văn hóa cộng đồng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm người Việt

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức được Chính phủ cho phép làm các thủ tục hồ sơ đối với “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" gửi tới UNESCO nhằm công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (gọi chung là thờ Mẫu) có lịch sử lâu đời của người Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Nó xuất phát từ đời sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, thịnh vượng, may mắn, cho gia đình, xã hội, cộng đồng và là một nhu cầu đời sống tâm linh của người Việt.
 Hình ảnh hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đông đảo người dân đến dự.
“Tâm” chính là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước, dạy cho con cháu biết phấn đấu hướng đến sự học hành giỏi giang, đặt nền móng cho sự giàu sang.

Theo các tài liệu thu thập được, tín ngưỡng thờ mẫu bắt nguồn từ thờ nữ thần (thần Lúa). Đến thời vua Lý Thánh Tông, nguyên phi Ỷ Lan có công rất lớn trong việc giúp vua trị vì đất nước, và làm nhiều việc từ tâm giúp đỡ người nghèo, dạy cho người dân biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, cấy lúa, phát triển kinh tế.
 Các vị anh hùng, thánh nhân được nhân dân tôn thờ có trong tín ngưỡng thờ mẫu.
Khi Hoàng hậu Ỷ Lan mất đi, dân chúng kính trọng và tưởng nhớ công ơn của bà, đã xây đền thờ bà ở nhiều nơi. Những người đến đền thờ bà cầu nguyện đều có một mong ước được giàu sang, phú quý.

Nhiều tài liệu cho rằng Tam tòa Thánh mẫu đều là hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh với 3 lần giáng trần, chúng ta hay gọi: Thượng Thiên, Thượng ngàn và Thoải Phủ.

Theo ông Lý Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, năm nay là năm thứ 2 địa phương tổ chức Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố chuẩn bị cho việc trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
  Ông Lý Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo chị Ngọc Diệp, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: Thờ Mẫu gắn liền với mong muốn của người dân. Tất cả những vị thánh, như thánh Mẫu, thánh Tứ phủ là những nhân vật được nhân dân ta tôn thờ, thể hiện từ xa xưa ông cha ta đã luôn dạy cho con cháu hướng đến là một người có đủ các đức tính văn, võ song toàn.
  Chị Ngọc Diệp, quận Ba Đình (Hà Nội).
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian chia sẻ: Tín ngưỡng thờ Mẫu có 4 nội dung gắn với cộng đồng, đó là: Thờ Mẫu là lẽ tự nhiên của người Việt; mang đến 3 điều ước muốn không đổi cho con người là phúc-lộc-thọ; tâm linh hóa tín ngưỡng hướng đến sự đồng điệu, hoà thuận bên trong và bên ngoài, kết tinh là chủ nghĩa yêu nước.

Nhìn tổng thể các vị thần, thánh mà nhân dân ta tôn thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu hết là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay được dân tộc lịch sử hóa, ví dụ như: Đức thánh Trần (hay gọi là Trần Hưng Đạo)…

Lời văn mang âm hưởng dân gian

Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam phát triển nhiều nhất là ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, từ đồng bằng đến miền núi. Các đền, phủ có ở khắp các tỉnh thành của cả nước. Có những ngôi đền thờ riêng, nhưng cũng có nơi thờ chung với khuôn viên của chùa.
 Tín ngưỡng thờ mẫu không thể thiếu hát cung văn.
 Người dân hát theo, đây là thể hiện nét văn hóa cộng động.
Dù là riêng hay chung thì đền thờ Mẫu được nhận diện nơi thờ Mẫu với những nét riêng trong từng chi tiết của kiến trúc tổng thể của điện thần, và nhất là ở sự bày bố điện thờ, và những nghi thức cầu cúng.

Nét riêng đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu đó là hát Chầu văn (hay hát cung văn). Hát văn thường được thực hiện và những dịp tiết lễ, giỗ chạp, tiệc thánh; hát hầu; hát nơi cửa đền.

Chầu văn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau như: Thất ngôn bát cú, song thất lục bát, lục bát, nhất bát song thất, hát nói…
Sự chuyển tải lời văn qua hát cung văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Bằng lời văn trau chuốt, nghiêm trang, mang ý nghĩa thỉnh cầu, mong ước những điều tốt đẹp đến với cuộc sống; cầu cho quốc thái, dân an, hạnh phúc, đủ đầy, …
Chính vì thế tín ngưỡng thờ Mẫu đang hướng đến những điều tốt đẹp cho xã hội, lồng trong lời thỉnh cầu là lời răn dạy cho chúng ta có tâm và dạy con cháu phấn đấu học hành trở thành người có văn, võ toàn tài để xây dựng đất nước.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ