Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tin tức thế giới hôm nay 23/9: Ông Putin sẵn sàng cấp miễn phí vaccine Sputnik V cho Liên Hợp quốc

Kinhtedothi - Ông Putin đề nghị cấp miễn phí vaccine Sputnik V cho Liên Hợp quốc; Tổng thống Hàn Quốc đề nghị tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên… là những tin quốc tế nổi bật trong ngày 23/9.

Ông Putin đề nghị cấp miễn phí vaccine Sputnik V cho  Liên Hợp quốc
Phát biểu trực tuyến trước cuộc họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 22/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có cả việc cung cấp loại vaccine ngừa Covid-19 đã được chứng minh là đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả của Nga cho các quốc gia khác”.
 Ông Putin đề nghị cấp miễn phí vaccine Sputnik V cho Liên Hợp quốc.
Tổng thống Putin cũng cho biết, Nga sẵn sàng cung cấp miễn phí vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cho Liên Hợp quốc, nơi có nhiều nhân viên bị nhiễm bệnh do sự bùng phát của dịch Covid-19.
"Nga sẵn sàng cung cấp cho Liên hợp quốc tất cả các hỗ trợ đủ điều kiện cần thiết. Đặc biệt, chúng tôi đề nghị cung cấp vaccine miễn phí cho việc tiêm chủng tự nguyện của các nhân viên của Liên Hợp quốc", ông Putin cho hay.
Tổng thống Hàn Quốc đề nghị tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/9 đã nhắc lại lời kêu gọi tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, cho rằng hành động này sẽ mở đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
 Tổng thống Hàn Quốc đề nghị tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Trong bài phát biểu được ghi hình gửi đến Phiên thảo luận chung cấp cao của Đạ Hội đồng Liên Hợp quốc khóa 75, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: “Đã đến lúc xóa bỏ bi kịch kéo dài trên Bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh phải chấm dứt, hoàn toàn và mãi mãi.”
Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa của hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, cho rằng yếu tố này sẽ đảm bảo nền hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á và mang lại những thay đổi tích cực đối với trật tự thế giới.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đề nghị cộng đồng quốc tế nhìn nhận các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên qua “lăng kính hợp tác quốc tế toàn diện hơn”.
Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp sẵn sàng khởi động đàm phán về tranh chấp trên biển
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã nhất trí sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán mang tính chất thăm dò nhằm giải quyết các tranh chấp song phương tại khu vực biển thuộc Đông Địa Trung Hải và Aegean.
Tuyên bố trên được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Đức và Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/9.
 Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp sẵn sàng khởi động đàm phán về tranh chấp trên biển.
Trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nêu rõ động lực đàm phán đó cần được đảm bảo bằng cách thiết lập đối thoại và nên được duy trì bằng những hành động "có đi có lại."
Ông đồng thời bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới diễn ra sẽ mang lại động lực mới cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU, bổ sung các bước đi cụ thể về cập nhật liên minh thuế quan giữa hai bên, du lịch miễn thị thực và vấn đề di cư sẽ giúp gắn kết mối quan hệ song phương dựa trên cơ sở tích cực.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hạn chế nhập khẩu từ Tân Cương
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hạn chế hàng nhập khẩu từ Tân Cương, Trung Quốc, do nghi ngờ về tình trạng "lao động cưỡng bức" tại đây.
Mỹ hiện cấm nhập khẩu bất cứ mặt hàng nào nếu có bằng chứng cho thấy quá trình sản xuất chúng liên quan đến lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, dự luật hạ viện thông qua hôm 22/9, có tên Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, quy định cấm nhập hàng hóa được sản xuất toàn bộ hoặc một phần tại Tân Cương, trừ khi chính phủ Mỹ tìm thấy bằng chứng "rõ ràng và thuyết phục" rằng chúng không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu trong cuộc họp báo ở Tòa nhà Quốc hội tại Washington hôm 18/9.
"Chúng ta phải làm sáng tỏ hành vi cưỡng bức lao động vô nhân đạo, bắt những người gây ra chúng chịu trách nhiệm và chấm dứt tình trạng bóc lột này. Chúng ta phải gửi một thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh, rằng những hành vi lạm dụng phải chấm dứt ngay bây giờ", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu.
Dự luật đang chờ được bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ. Sự khác biệt về các điều khoản giữa Hạ viện và Thượng viện cần được thảo luận thống nhất, trước khi đưa tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump xem xét.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ