Tổ chức chính quyền đô thị trong Luật Thủ đô 2024
Kinhtedothi - Tổ chức chính quyền đô thị - được quy định một chương trong Luật Thủ đô 2024 (Chương II) - là 1 trong 9 nhóm vấn đề quan trọng trong Luật Thủ đô.
Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định nhiệm vụ “Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực”.
Luật Thủ đô 2024 thể chế hoá đầy đủ những yêu cầu then chốt của Nghị quyết số 15-NQ/TW về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện tổ chức chính quyền Thủ đô, đồng thời luật hoá các quy định đã được qua kiểm nghiệm thực tế là phù hợp của các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.
Tổ chức chính quyền Thủ đô tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Quy định tổ chức chính quyền tại Hà Nội theo mô hình chính quyền đô thị (Điều 8): Theo đó, tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội gồm:
- Chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND (khoản 1 Điều 8).
- Chính quyền địa phương ở phường tại TP là UBND phường (khoản 2 Điều 8).
Quy định này được xây dựng trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội (không tổ chức HĐND phường)
Tăng cường tổ chức bộ máy, nhân sự và thẩm quyền của HĐND TP, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố (Điều 9, Điều 11):
- HĐND TP được bầu 125 đại biểu HĐND; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu HĐND; Thường trực HĐND TP hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch và các Ủy viên, bảo đảm không quá 11 người; được thành lập không quá 06 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể (tăng 2 Ban so với quy định pháp luật hiện hành) (khoản 1, 2, 3 Điều 9).
- HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố có 2 Phó Chủ tịch HĐND; tổng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không quá 9 người; được thành lập không quá 3 Ban tham mưu các lĩnh vực cụ thể (tăng 1 Ban so với quy định pháp luật hiện hành) (khoản 1,2 Điều 11).
Các quy định trên nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong bối cảnh không tổ chức HĐND phường. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách không chỉ tăng cường chất lượng hoạt động của HĐND các cấp mà còn giúp phát huy các cơ chế dân chủ trực tiếp đảm bảo tốt hơn nữa quyền và lợi ích của cử tri nói riêng, đảm bảo quyền làm chủ của người dân nói chung.
Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp (Điều 9, Điều 10, Điều 12, Điều 13, Điều 14)
- Trao quyền cho HĐND TP quyết định một số vấn đề đặc thù về tổ chức, nhân sự của HĐND: số lượng đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách; quyết định số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách của các Ban của HĐND TP; quy định tiêu chí thành lập, tổ chức các Ban của HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (khoản 4 Điều 9); đồng thời Luật quy định phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND TP: giao Thường trực HĐND TP thẩm quyền phê chuẩn Phó Trưởng Ban và các Ủy viên của Ban (khoản 3, Điều 9); thẩm quyền quyết định và báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất về 3 nội dung liên quan đến các biện pháp giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp, điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp cần thiết (khoản 5, Điều 9).
- Trao quyền HĐND TP quyết định các vấn đề về tổ chức, biên chế hành chính trên cơ sở đề án do UBND TP trình (khoản 4 Điều 9):
+ Việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, điều chỉnh chức năng, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên (bảo đảm không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định);
+ Quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên (bảo đảm không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định);
+ Xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước do TP quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định, giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.
- Trao quyền cho UBND TP quyết định: điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND TP căn cứ vào nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và theo trình tự, thủ tục do HĐND TP quy định (khoản 2,3 Điều 10).
- Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và UBND, Chủ tịch UBND phường trong bối cảnh không tổ chức HĐND phường, trong đó chú trọng các điểm mới về phân định nhiệm vụ trong các lĩnh vực: thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (UBND phường có nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND quận, thị xã, thành phố trực thuộc thành phố), thực hiện các thẩm quyền về đầu tư công (UBND phường đề xuất và UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại các phường trực thuộc) (Điều 12, Điều 13).
UBND phường được quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (điểm e khoản 1 Điều 13). UBND phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 2 Điều 13).
Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố có thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường; giao quyền Chủ tịch UBND phường theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 12).
Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định và theo phân cấp, ủy quyền (khoản 4, Điều 13).
Mục đích điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính tại các quy định trên theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp tại Thủ đô nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp Thủ đô.
Quy định nguyên tắc, nội dung việc phân cấp, uỷ quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND (Điều 14)
- Quy định việc phân cấp, uỷ quyền của UBND TP cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP hoặc UBND cấp huyện, UBND cấp xã; phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; việc uỷ quyền của Chủ tịch UBND TP cho Phó Chủ tịch UBND TP, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện (khoản 1 Điều 14).
- Quy định việc phân cấp, uỷ quyền của UBND cấp huyện cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; việc uỷ quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện cho Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch UBND cấp xã (khoản 2 Điều 14).
- Quy định việc uỷ quyền giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP cho UBND cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (khoản 3 Điều 14).
- Quy định việc uỷ quyền của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã (khoản 4 Điều 14).
Để đảm bảo việc giám sát, kiểm soát thực hiện quyền lực trong thực hiện cơ chế phân cấp, uỷ quyền, Luật giao HĐND TP quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền cho công chức thuộc UBND cấp xã, được phân cấp, ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; UBND TP ban hành văn bản quy định việc điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết công việc phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, không quy định thêm thành phần hồ sơ, không tăng thêm yêu cầu, điều kiện, thời gian giải quyết thủ tục đang áp dụng (khoản 6, 7 Điều 14).
Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô (Điều 15, Điều 16)
Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định phương hướng:“Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo quy định”.
Thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (Khoản 1,2 Điều 15; khoản 1 Điều 16)
- Mở rộng đối tượng thu hút: công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô; Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao (điểm a, c khoản 1 Điều 16).
- Đa dạng hoá hình thức thu hút, tuyển dụng: đối tượng thu hút là công dân Việt Nam có thể được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức hoặc được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ kể cả đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP, trong tất cả các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, y tế, giáo dục- đào tạo, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông…; đối tượng thu hút là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Quy định này sẽ tạo ra khả năng liên thông trong thu hút, sử dung nguồn nhân lực chất lượng cao giữa khu vực công và khu vực tư (Điều 16).
Luật cũng giao quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong các cơ quan đó (khoản 2 Điều 15).
- Chế độ đãi ngộ: chế độ đãi ngộ linh hoạt phù hợp với từng đối tượng và hình thức thu hút (được xét tuyển, tiếp nhận hay ký hợp đồng) và được giao cho HĐND TP quy định (điểm d khoản 1 Điều 16).
Các quy định trên nhằm đáp ứng yêu cầu của bộ máy hành chính chuyên nghiệp, năng động, hiện đại và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, khắc phục các bất cập, hạn chế của chính sách trọng dụng nhân tài ở Hà Nội thời gian qua.
Thống nhất một chế độ công vụ, công chức từ cấp xã và chế độ sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TP (khoản 1 Điều 15):
Cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn là cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hằng năm cho cấp huyện, được bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt và chủ động để thực hiện việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giữa cán bộ, công chức ở cấp xã và cấp huyện, đồng bộ hoá, chính sách về lương, ngạch bậc công chức, chế độ đãi ngộ …
Quy định thực hiện chế độ hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức (khoản 3 Điều 15):
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; tham khảo kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh, Luật giao HĐND TP sử dụng nguồn tăng thu và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP quản lý.
Việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô để giúp họ bảo đảm đời sống, yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Luật giao HĐND TP sử dụng nguồn tăng thu và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TP (điểm a khoản 1 Điều 35).
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô (khoản 2 Điều 16):
Tập trung vào các biện pháp:
- Xác định các ngành, lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cao;
- Sử dụng ngân sách TP hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý và học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đaò tạo trên địa bàn TP;
- Hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của TP.
Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là các thành phố đã triển khai thực hiện, thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Từ vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước, Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững, hội nhập quốc tế.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia về mô hình chính quyền đô thị cho thấy, bộ máy chính quyền TP Hà Nội cần được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị. Đồng thời, cần mạnh dạn phân quyền, phân cấp hơn nữa cho chính quyền TP Hà Nội. Với tư cách vừa là một đô thị lớn, vừa là Thủ đô, Hà Nội cần được phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn, để có phạm vi quyền tự chủ cao hơn. Ở các nước thường sử dụng thuật ngữ “tự quản” đối với chính quyền đô thị. Các đô thị được quyết định các vấn đề của địa phương và các vấn đề thuộc quyền của trung ương nhưng được trao cho địa phương giải quyết.
Ngoài ra, cần thúc đẩy chế độ thủ trưởng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính ở Hà Nội. Đây cũng là chế độ được ưu tiên với chính quyền đô thị ở các nước. Chế độ thủ trưởng có ưu điểm là giúp việc ra các quyết định quản lý được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời xác định trách nhiệm trực diện cho người đứng đầu.
TS Nguyễn Toàn Thắng (Trường Đại học Luật Hà Nội)
Cán bộ, công chức Hà Nội hưởng thu nhập tăng thêm theo Luật Thủ đô 2024 thế nào?
Kinhtedothi-Từ 1/1/2025, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP Hà Nội quản lý, được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Cải tạo, chỉnh trang đô thị theo quy định của Điều 20 Luật Thủ đô 2024
Kinhtedothi- Trong bối cảnh đô thị hóa, các đô thị lớn phải đối mặt với nhiều thách thức, như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và thiếu không gian xanh, vì vậy, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sống mà còn hướng tới phát triển bền vững.
Ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô 2024 trong hệ thống pháp luật
Kinhtedothi - Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4, nhằm tạo cơ chế, chính sách thực sự đột phá, vượt trội cho Hà Nội phát triển.