Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Văn phòng Chính phủ
Ngày 22/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho bộ, cơ quan, địa phương việc cập nhật nhiệm vụ lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi tại Văn phòng Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Tổ phó Tổ công tác, Trưởng đoàn kiểm tra, ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, báo cáo Chính phủ kết quả kiểm tra. “Trong thời gian rất ngắn nhưng đã tạo chuyển động mạnh trong suy nghĩ, làm việc của các bộ, ngành, địa phương”, Thứ trưởng nói.
Tại Văn phòng Chính phủ, đoàn sẽ kiểm tra việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, chỉ đạo, điều hành các bộ, cơ quan, địa phương; kiểm tra việc phân loại văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc cập nhật các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bộ, cơ quan, địa phương trên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi; kiểm tra việc thống kê, tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản mật, tối mật, tuyệt mật.
Trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ, có nhiệm vụ hết sức quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương đánh giá rất cao Văn phòng Chính phủ trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ Chính phủ, Thủ tướng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đoàn sẽ kiểm tra trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, nêu rõ những nội dung, công việc đã làm tốt để tiếp tục phát huy.
Đồng thời, nếu phát hiện khâu nào, nội dung nào, lĩnh vực nào, đơn vị nào, chuyên viên nào còn có vướng mắc, tồn tại, hạn chế thì cũng là dịp nhìn lại nghiêm túc, thấu đáo để làm việc tốt hơn.
Trưởng đoàn kiểm tra cũng nhắc lại khi Tổ công tác kiểm tra tại các bộ, một số bộ phát biểu thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế của Văn phòng Chính phủ, và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhận ngay trách nhiệm.
“Để thực hiện những nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thì trước hết nhiệm vụ giao có sát không, có khả thi không, xuống bộ, ngành, địa phương có bị chồng chéo không. Vai trò của Văn phòng Chính phủ rất quan trọng”, ông Nguyễn Trọng Thừa khẳng định.
Báo cáo đoàn kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng là tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ, Thủ tướng trong chỉ đạo, điều hành.
Văn phòng Chính phủ cũng chính là cơ quan chủ động tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 42 năm 2014 của Thủ tướng về Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Từ đầu năm tới ngày 31/8, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 13.733 văn bản (không kể văn bản mật), trong đó có 1.154 văn bản có giao nhiệm vụ cụ thể, với 6.272 nhiệm vụ mà các bộ, cơ quan, địa phương phải thực hiện.
Qua theo dõi, đôn đốc, Văn phòng Chính phủ cho biết trong số các nhiệm vụ nói trên, đến 31/8 đã có 2.723 nhiệm vụ đến hạn phải hoàn thành, trong đó có 2.501 nhiệm vụ đã hoàn thành (chiếm 91,8%), còn 222 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa thực hiện xong. Đối chiếu với các năm trước, việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao đã có chuyển biến tích cực, số nhiệm vụ quá hạn giảm dần qua các năm (năm 2013 là 43,9%, năm 2014 là 40%, năm 2015 là 21%, 8 tháng đầu năm là 8,2%).
Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai Quy chế 42, vẫn chưa đánh giá toàn diện, đầy đủ về chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, mới dừng lại ở mức thống kê số liệu. Do đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong các công tác trên, như việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng đôi lúc chưa dự báo được hết khó khăn, các điều kiện cần thiết về nguồn lực, về tính phức tạp của nhiệm vụ, khoảng thời gian giao thực hiện nhiệm vụ chưa hợp lý hoặc giao không rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp… gây vướng mắc trong triển khai thực hiện...