Toàn văn Tuyên bố chung giữa hai nước Việt Nam và Sri Lanka
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, hai nước Việt Nam và Sri Lanka đã ra Tuyên bố chung.
Dưới đây là toàn văn Tuyên bố chung:
1 . Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 4 năm 2017. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã dự lễ đón, hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; tới chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; dự Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-Sri Lanca. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe gặp gỡ phóng viên báo chí sau hội đàm và lễ ký kết. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
2. Hai Thủ tướng đã trao đổi, trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong 47 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 21/7/1970). Hai Thủ tướng khẳng định tình cảm và sự ủng hộ quý báu mà hai bên dành cho nhau trong công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi nước là cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trong những năm tới.
3. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ca ngợi vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam; chúc mừng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe chúc Việt Nam sớm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Chính phủ Thống nhất quốc gia và nhân dân Sri Lanka về những kết quả quan trọng đã đạt được trong công cuộc tái thiết đất nước và hòa hợp dân tộc, từng bước đưa Sri Lanka phát triển ổn định. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ hy vọng Sri Lanka, với vị trí địa lý của mình, sẽ đóng vai trò quan trọng như một trung tâm kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương.
4. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận, thống nhất các phương hướng lớn nhằm đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới. Hai bên nhất trí giao các các cơ quan hữu quan của hai nước đề xuất biện pháp làm sâu sắc hơn nữa các lĩnh vực hợp tác hiện có và mở rộng các lĩnh vực hợp tác mà hai bên có tiềm năng; rà soát và triển khai hiệu quả các văn bản, thỏa thuận đã ký; xem xét sửa đổi, ký mới các văn kiện cho phù hợp với tình hình mới.
5. Hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị chặt chẽ giữa Việt Nam và Sri Lanka; khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn các cấp, giữa các Bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Hai bên nhất trí khuyến khích trao đổi các hình thức biểu diễn nghệ thuật và văn hóa nhằm tạo môi trường hiệu quả tăng cường hơn nữa sự hiểu biết giữa hai quốc gia.
6. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tham vấn, trao đổi, đối thoại về chính sách; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có; sớm tổ chức kỳ họp lần thứ ba Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, cũng như cuộc họp Tiểu ban Thương mại để chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ tư Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Sri Lanka.
7. Hai bên khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng thông qua triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng 2011, tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác về nghiên cứu quốc phòng thông qua trao đổi đoàn giữa Học viện Quốc phòng Việt Nam và Học viện Quốc phòng Kothalawala.
Thủ tướng Sri Lanka nhất trí sớm phê chuẩn Hiệp định về dẫn độ; sớm triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp Bộ trưởng Công an hai năm/lần. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác về Phòng chống tội phạm ký năm 2009 cũng như Bản Ghi nhớ về hợp tác pháp luật và tư pháp ký năm 2013. Hai bên nhất trí thúc đẩy ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Công an trong đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như Thỏa thuận về Bảo vệ và Trao đổi Thông tin mật, coi đây là những yếu tố quan trọng để duy trì luật pháp và an ninh trật tự.
8. Hai Thủ tướng ghi nhận thương mại song phương đã tăng đều, đạt trên 326 triệu đôla Mỹ năm 2016, tăng 19,9% so với năm 2015; nhất trí tăng cường hợp tác nhằm đạt mục tiêu 1 tỷ đôla Mỹ kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm tới. Hai Thủ tướng cũng nhất trí hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn không chỉ về thương mại mà còn về đầu tư và du lịch. Hai bên khẳng định việc tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực tư nhân và đối tác công-tư, cũng như tạo thuận lợi triển khai các thỏa thuận song phương, trong đó có hợp tác hải quan và thương mại ưu đãi trong khuôn khổ Hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu (GSTP) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
9. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp của hai bên nhằm mở rộng đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước. Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của các Thỏa thuận song phương hiện có về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư cũng như về Chống đánh thuế hai lần, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí triển khai hiệu quả Bản Ghi nhớ về Hợp tác thúc đẩy Đầu tư song phương đã ký giữa Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam và Ủy ban đầu tư Sri Lanka năm 2011.
Hai Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng hai bên đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế song phương trên các lĩnh vực chủ chốt như dầu khí, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, dệt may, chế biến và phân phối nông sản và thủy sản, năng lượng tái tạo, hậu cần, dịch vụ hàng không, giáo dục, du lịch và nghỉ dưỡng, sản xuất và tiêu thụ sữa, dịch vụ hàng hải và vận chuyển đường biển, dược phẩm, công nghiệp chế tạo…
Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật phát triển nông-ngư nghiệp; coi Kế hoạch Làm việc về hợp tác Nghề cá giữa hai nước là lộ trình thực hiện định hướng này.
10. Hai nhà Lãnh đạo chia sẻ tầm quan trọng của tăng cường kết nối hàng không giữa hai quốc gia, trong đó có việc triển khai hiệu quả Hiệp định về Dịch vụ hàng không giữa hai Chính phủ đã có hiệu lực từ tháng 10/2012. Hai bên bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các hãng hàng không của hai nước khai thác đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Sri Lanka. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng kết nối hàng không là một giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai nước.
11. Hai Thủ tướng cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy hợp tác về công nghệ thông tin thông qua sớm ký kết Bản Ghi nhớ về Thông tin và Truyền thông; chia sẻ thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực môi trường thông qua sớm ký Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực môi trường; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghề cá và nông nghiệp. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác về nâng cao vai trò của phụ nữ, xóa đói giảm nghèo, nhà ở cho người thu nhập thấp và phúc lợi xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Việt Nam ghi nhận đề xuất của Sri Lanca về “Hiệp định khung về hợp tác Kinh tế-Xã hội Nam-Nam.”
12. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định hai bên cần tăng cường hơn nữa hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Việt Nam đánh giá cao Sri Lanca đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và mong muốn Sri Lanka sớm khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Sri Lanka ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.
13. Hai bên hoan nghênh và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy ASEAN và Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) tăng cường hợp tác và kết nối về mọi mặt, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á. Việt Nam ghi nhận đề nghị của Sri Lanka về việc ủng hộ Sri Lanca trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN và khuyến khích Sri Lanka thúc đẩy hợp tác cụ thể và hiệu quả với ASEAN trong thời gian tới.
14. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, giải quyết các tranh chấp và khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
15. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng với những nội dung trao đổi hiệu quả trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau, góp phần tích cực đưa quan hệ tốt đẹp giữa hai nước lên tầm cao mới.
16. Sau Hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện sau: Thỏa thuận Hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Đại học và Giao thông đường bộ Sri Lanca; Chương trình Hành động về Hợp tác phát triển nông nghiệp giai đoạn 2017-2019 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Sri Lanka.
17. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp nồng hậu và chu đáo dành cho Thủ tướng và Đoàn đại biểu Sri Lanca. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nhắc lại lời mời của Tổng thống Maithripala Sirisena dịp gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Nhật Bản năm 2016 và mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Sri Lanka vào thời gian thích hợp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui vẻ nhận lời./.