TP Hồ Chí Minh: Nhiều công trình xây dựng có dấu hiệu sai phạm tại phường 5, quận Gò Vấp
Kinhtedothi - Văn phòng báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được đơn của người dân phản ánh việc UBND phường 5, quận Gò Vấp để tình trạng xây dựng sai phép liên tục diễn ra và ngày càng phức tạp...
Căn nhà 3 tầng đang được xây dựng trên thửa đất trồng cây lâu năm, thuộc đất giáo dục đã được phê duyệt theo quyết định 5035/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 29/9/2012. |
Trong đơn người dân ghi rõ: “Đơn này tố cáo hành vi bảo kê xây dựng nhà trái phép trong thời gian dài của lãnh đạo phường 5, quận Gò Vấp trên đất nông nghiệp, đất nằm trong hành lang bảo vệ sông rạch, lấn chiếm hành lang đường sắt tại địa bàn phường”.
Phóng viên đã đến tại khu vực phường 5, quận Gò Vấp, ghi nhận thực tế tại đây có nhiều công trình đang xây dựng, công trình liền kề bờ rạch Lăng, công trình cao tầng trong hẻm dân cư…Cụ thể: Tại thửa đất số 3, tờ bản đồ 62 (cạnh địa chỉ 97/22/19A đường số 6, phường 5, quận Gò Vấp - số mới 566/197/21 đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp). Theo thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đất này là đất trồng cây hàng năm, có diện tích 104,1m2, thửa đất thuộc đất giáo dục theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 phường 5, quận Gò Vấp, được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt tại quyết định số 5035/QĐ-UBND ngày 29/9/2012.Tuy nhiên, hiện tại một công trình 3 tầng đang được xây dựng trên thửa đất này. Tại thời điểm ghi nhận không có biển thông báo công trình, niêm yết giấy phép xây dựng.
Công trình đang xây dựng ngay cạnh bờ rạch Lăng có dấu hiệu vi phạm hành lang bảo vệ kênh rạch |
Ghi nhận tại vị trí này, công trình được xây dựng và gia cố bằng bê tông cốt thép như một công trình kiên cố. Ngoài ra, nhiều khu đất khác tại phường 5 hiện đang được che kín bởi tường tole, bên trong có các hoạt động thay đổi hiện trạng đất.
Theo người dân, tường xây làm mốc ranh giới đất được xây với chiều cao hơn 1 mét, bao quanh thửa đất có tổng diện dích 90 mét vuông, nhằm mục đích ngăn chặn việc đổ rác bừa bài làm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Người dân cung cấp |
Công trình 6 tầng hiện đang trong quá trình thi công, bên cạnh là những căn nhà tạm bợ bằng tole khiến người dân bức xúc. |
Biển thông báo công trình ghi rõ là 5 tầng 1 lửng, nhưng ghi nhận tại thời điểm thì công trình này được xây đến 6 tầng. |
Một công trình 6 tầng khác hiện đang được xây dựng tại đỉa chỉ số 80/28/31 đường Dương Quảng Hàm cũng gây bức xúc cư dân. Theo biển thông báo công trình thì căn nhà cao tầng này có tổng diện tích sàn là 1.761,5 mét vuông.Theo thông tin Quy hoạch của TP Hồ Chí Minh thì lộ giới của hẻm này là 16 mét và theo quy định trong Quyết định 135/2007/QĐ-UBND ngày 8/12/2007, Quyết định 45/2009/QĐ-UBND ngày 3/7/2009 sửa đổi bổ sung Quyết định 135; Quyết định 68/2010/QĐ-UBND ngày 14/9/2010 của UBND TP Hồ Chí Minh, thửa đất nằm trong lộ lớn hơn hoặc bằng 12 mét và nhỏ hơn hoặc bằng 20 mét thì công trình xây dựng tối đa không quá 4 tầng; được nâng thêm tầng khi đáp ứng đủ các điều kiện kèm theo trong quyết định.
Quyết định 45/2009/QĐ-UBND ngày 3/7/2009 nêu rõ giới hạng tầng được xây dựng và điều kiện để được nâng tầng. Ngoài ra, trong quyêt định này còn quy định về mật độ xây dựng tùy theo diện tích nền đất. |
Trao đổi về sự việc trên, luật sư Đăng Anh Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Căn cứ Luật đất đai và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất đai được phân thành nhiều loại, mỗi loại được sử dụng theo mục đích khác nhau. Nếu là đất nông nghiệp, khi muốn xây dựng nhà ở thì cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đất ở) nếu mảnh đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, chủ đất thực hiện các thủ tục theo quy định để được cấp phép xây dựng.Hiện nay, xây dựng trái phép hoặc xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đều bị phạt hành chính với mức phạt có thể lên đến 60 triệu đồng và khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc phải phá dỡ phần công trình không được phép xây dựng...”.