TP Hồ Chí Minh sẽ phát hành trái phiếu để đầu tư cho các tuyến metro?
Kinhtedothi – Ngày 18/1, Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với kiều bào tiêu biểu (KBTB) và thảo luận đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030”.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có chất lượng, tiềm năng lớn
Hoạt động trên nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Trước đó, vào sáng cùng ngày đoàn KBTB đã thành kính dâng hoa tưởng nhớ Bác Hồ tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, ông Hà Phước Thắng-Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hồ Chí Minh thay mặt lãnh đạo TP cho rằng, TP luôn xem trọng vai trò của NVNƠNN, nhằm thu hút kiều hối. Tháng 9/2024, UBND TP phê duyệt đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP đến năm 2030”.
Cũng theo ông Hà Phước Thắng, TP phấn đấu GDP trong năm 2025 đạt trên 10%. Do đó, TP muốn nghe ý kiến đóng góp của kiều bào để phát huy nguồn lực kiều hối nhằm phát triển công nghiệp hiện đại, công nghệ vi mạch, kinh tế số, kinh tế xanh…
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về NVNƠNN TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số này, có hơn 2,8 triệu NVNƠNN có liên hệ với TP, với hơn 80% đang sống ở các nước công nghiệp phát triển, các trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ (KH&CN), giáo dục và đào tạo của thế giới (khoảng hơn 2,2 triệu người Việt Nam sống ở Mỹ); khoảng 80 hội đoàn doanh nhân, trí thức, sinh viên NVNƠNN ở các nước. Do đó, cộng đồng NVNƠNN là cộng đồng có chất lượng với tiềm lực, tiềm năng to lớn.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay thu hút được khoảng 500 chuyên gia, trí thức NVNƠNN từ hơn 39 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về làm việc dài hạn. Kiều hối về TP hàng năm luôn chiếm 40% - 53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam, đặc biệt đây là dòng tiền chuyển đơn phương theo hướng một chiều về TP.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hết năm 2024 Dương lịch, lượng kiều hối chuyển về TP đạt 9,547 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2023. Trong đó, châu Á và châu Mỹ là hai khu vực có lượng kiều hối chuyển về chiếm tỷ trọng cao nhất với 82,2% tổng lượng kiều hối chuyển về năm 2024; kiều hối về từ châu Âu giảm 23%, châu Phi giảm 33% so với năm 2023.
Cũng theo ông Lệnh, thời điểm những ngày cuối năm Âm lịch, lượng kiều hối chảy về TP nhiều nhất, vì vậy có thể hy vọng đến ngày cuối của năm Giáp Thìn 2024, lượng kiều hối về TP sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD. Trong thời gian tới, để thu hút kiều hối, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về đề án và các chính sách của NHNN.
Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn
Bàn về việc thu hút và phát huy có hiệu quả lượng kiều hối chuyển về, hầu hết đại biểu góp ý TP nên phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nhằm huy động nguồn vốn để thực hiện các dự án: đường sắt đô thị (metro), phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế.
Giáo sư Võ Hồng Đức (Việt kiều Úc), cho rằng nên có Quỹ “Kiều hối TP” vì kiều bào sống ở nước ngoài khoảng 6 triệu người, lượng kiều hối từ năm 1993–2023 chuyển về Việt Nam gần 240 tỷ USD; năm 2023–2024 kiều hối về Việt Nam khoảng 16 tỷ USD/năm thì TP đã khoảng 9,5 tỷ USD/năm. Mục đích của kiều hối là để tăng trưởng kinh tế, nguồn vốn đầu tư ổn định, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế, phát triển thị trường tài chính…
“TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 7 tuyến metro (355 km); đến năm 2030 hoàn thành tuyến 1 nối dài và tuyến 2 (83,3 km). Do đó nguồn vốn cần lên đến 35 tỷ USD (khoảng 875.000 tỷ đồng). Do đó nên phát hành trái phiếu đô thị, từ đó thay thế vốn ODA”, Giáo sư Võ Hồng Đức phân tích. Giáo sư Đức cũng đưa ra các yếu tố sinh lời, rủi ro và giảm thiểu rủi ro khi phát hành trái phiếu đô thị. Theo đó, cần có lãi suất thả nổi (tỉ lệ lạm phát kỳ vọng năm sau + % cố định); miễn thuế thu nhập trên tiền lãi suất trái phiếu; vẫn đánh thuế trên khoản lời do mua bán trái phiếu.
Về yếu tố rủi ro và giảm thiểu rủi ro, Giáo sư Võ Hồng Đức cho rằng, khi phát hành trái phiếu cần có tính minh bạch (cam kết tiến độ dự án, nguồn vốn bố trí cho dự án, nguồn thu từ giá trị đất tăng khu vực metro); TP cũng cần có cam kết về nguồn thu từ metro (vé, quảng cáo), tỉ lệ thu ngân sách vượt trội, cân đối ngân sách của TP và tỉ lệ ngân sách chuyển về Trung ương và cần có quỹ thanh toán trái phiếu.
Cùng quan điểm với Giáo sư Võ Hồng Đức là ông Trần Văn Tâm (Việt kiều Mỹ) cũng cho rằng tính minh bạch là cần thiết nhất. Để đầu tư metro, TP cần khoảng 4 tỷ USD/năm, do đó huy động vốn từ việc bán trái phiếu của chính quyền là cần thiết. Nếu TP phát hành sẽ nhận được sự ủng hộ của kiều bào, vì nguồn trái phiếu này có độ an toàn cao.
Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh chăm lo Tết cho 500.000 đoàn viên
Kinhtedothi - Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh dự kiến chăm lo cho hơn 500.000 đoàn viên công đoàn và người lao động với kinh phí ước tính 500 tỷ đồng.
Ban Dân tộc TP Hồ Chí Minh: mang Tết đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Kinhtedothi – Thực hiện công tác chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, Ban Dân tộc TP Hồ Chí Minh tổ chức trao 300 suất quà Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho hộ dân khó khăn; trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho gia đình thuộc căn cứ Ban Hoa vận.
TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh
Kinhtedothi – Hàng Bàng là một trong những con kênh thoát nước tại TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm trầm trọng, với hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh từ hàng chục năm qua, con kênh bị lấp hẳn. Việc khôi phục lại dòng kênh góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.