Tránh đối đầu với Nga, NATO không điều quân tới Ukraine
Kinhtedothi - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định khối sẽ không gửi quân hoặc áp đặt vùng cấm bay tại Ukraine, bất chấp lời kêu gọi từ Kiev.
Theo hãng tin RT, ngày 24/3, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh quân sự sẽ không gửi quân đến Ukraine cũng như áp đặt vùng cấm bay tại nước này. Ông Stoltenberg giải thích rằng việc điều quân tới Ukraine có nguy cơ dẫn đến “một cuộc chiến tranh chính thức giữa NATO và Nga”.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO liên quan đến tình hình Ukraine ở Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nói rằng Ukraine đã nhận được nhiều loại hỗ trợ khác nhau, bao gồm hỗ trợ quân sự, huấn luyện, thiết bị chiến đấu và nhiên liệu. “Sự kết hợp giữa huấn luyện và hỗ trợ từ các nước đồng minh NATO đang giúp cho Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga”, lãnh đạo NATO cho hay.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg lưu ý NATO đã tuyên bố rất rõ rằng khối này sẽ không gửi lực lượng mặt đất hoặc máy bay trên không tới Ukraine.
“Chúng tôi làm điều đó vì chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng cuộc xung đột này sẽ không leo thang bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Điều đó sẽ gây ra nhiều đau khổ hơn, thương vong nhiều và mức độ tàn phá hơn”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Theo Tổng thư ký NATO, việc áp đặt vùng cấm bay có nghĩa là NATO sẽ phải “tấn công các hệ thống phòng không của Nga ở Nga, Belarus và Ukraine, đồng thời sẵn sàng bắn hạ máy bay Nga”. “Khi đó sẽ có nguy cơ cao xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga”, ông Stoltenberg nêu rõ.
Trước đó, hôm 23/3, ông Stoltenberg cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp, lãnh đạo các nước NATO dự kiến thông qua việc tăng thêm quân đội tại Đông Âu.
Tại Hội nghị, trong video phát biểu trước lãnh đạo của các nước thành viên NATO, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi khối cung cấp “hỗ trợ quân sự không hạn chế”. Tổng thống Zelensky gợi ý rằng NATO có thể cung cấp cho Ukraine “1% tổng số máy bay và 1% tổng số xe tăng của khối”.
Nga nói gì về việc trưng cầu dân ý thỏa thuận hòa bình của Ukraine?
Kinhtedothi - Moscow nói rằng đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý ở Ukraine về các điều khoản của thỏa thuận hòa bình “sẽ làm tổn hại đến các cuộc đàm phán đang diễn ra”.
Việt Nam khẳng định lập trường về vấn đề Ukraine tại LHQ
Kinhtedothi - Ngày 23-24/3/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tiếp tục tổ chức Phiên họp khẩn lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine, tập trung vào tình hình nhân đạo.
Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu Nga ngừng chiến dịch tại Ukraine
Kinhtedothi - Đa số thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 24/3 đã ủng hộ nghị quyết mới, yêu cầu Nga ngay lập tức dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.