Triển khai hoạt động Thừa phát lại: Gian nan công tác thi hành án
Cùng với đội ngũ Thừa phát lại (TPL), ngành thi hành án dân sự (THADS) Hà Nội gặp không ít khó khăn trong công tác THA, triển khai hoạt động TPL.
Gia tăng vụ việc giá trị lớn
Cục THADS TP Hà Nội là đơn vị có số lượng án và giá trị phải thi hành lớn trong số các cục THADS trong cả nước. Trên địa bàn TP, một trong những tồn tại trong công tác THADS những năm qua là tình trạng án tồn còn rất lớn, đặc biệt nhiều vụ án có giá trị phải thi hành lớn gia tăng, trong đó án liên quan đến tín dụng, ngân hàng tăng đột biến với số lượng lớn. Đây là vấn đề bức xúc đặt ra trong công tác THADS hiện nay. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về tình trạng quá tải của các cơ quan THADS trên địa bàn. Số lượng việc THA và tiền THADS thụ lý mới ngày càng tăng và phức tạp...
Ngoài ra, theo thống kê, biên chế Cơ quan THADS toàn TP là 524 người, trong đó có 238 Chấp hành viên (CHV). Bình quân một CHV phải giải quyết số việc trong năm rất cao. Cụ thể, tại huyện Chương Mỹ, một CHV phải giải quyết 317 việc/năm. Tương tự, tại các quận, huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Đống Đa, Ba Đình, Phúc Thọ, một CHV phải giải quyết từ 226 - 270 việc/năm.
Khó khăn triển khai hoạt động Thừa phát lại
Từ sau khi Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trách nhiệm xác minh, cung cấp điều kiện THA chuyển từ người được THA sang CHV, ngân sách Nhà nước chi trả chi phí xác minh thì số hợp đồng xác minh của các văn phòng TPL giảm về cơ bản, đương sự đến yêu cầu cơ quan THADS tổ chức THA và xác minh. Các quy định trong việc cưỡng chế THA có huy động lực lượng do các văn phòng TPL thực hiện theo các quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và 135/2013/NĐ-CP bộc lộ nhiều bất cập khó thực hiện, dẫn đến hoạt động của TPL không được sự phối hợp, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và cơ quan bảo vệ cưỡng chế.
Bên cạnh đó, số việc đương sự yêu cầu các văn phòng TPL ký hợp đồng tổ chức THA còn ít do người dân chưa tin tưởng vào TPL mới thành lập; không có cơ chế chuyển việc THA từ cơ quan THA sang văn phòng TPL và ngược lại; phạm vi tổ chức THA bị giới hạn trong phạm vi hẹp. Các quy định trong việc cưỡng chế THA có huy động lực lượng do các văn phòng TPL thực hiện theo các quy định hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, khó thực hiện, chưa được sự phối hợp, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và cơ quan bảo vệ cưỡng chế.
Đối với cơ quan THADS TP, kinh phí tống đạt năm 2015 còn tồn quá ít (gần 37,5 triệu đồng và chậm chuyển sang sử dụng cho năm 2016). Đồng thời, kinh phí tống đạt năm 2016 được cấp và tạm ứng chậm nên một số đơn vị được giao thực hiện chuyển giao các văn bản cho các văn phòng TPL thực hiện chuyển giao ít hoặc chưa thường xuyên chuyển giao vì chưa có tiền để thanh toán trả chi phí tống đạt cho các văn phòng, không có các nguồn khác để tạm ứng thanh toán.
Đối với văn phòng TPL, một số văn phòng chưa ký lại hợp đồng tống đạt văn bản với các cơ quan THA theo địa hạt như Văn phòng TPL Hà Nội, Văn phòng TPL quận Hà Đông do lực lượng tống đạt nhân viên cũ đã nghỉ sau khi hết thí điểm, số mới chưa tuyển được…; lực lượng còn mỏng và yếu về kinh nghiệm chuyên môn. Số văn bản tống đạt không thành còn nhiều, không thực hiện niêm yết theo quy định khi không tống đạt được. Một số việc tống đạt chậm thời gian nên không đảm bảo chặt chẽ về thủ tục THA, nhất là các vụ chuẩn bị cho cưỡng chế THA. Đặc biệt có những trường hợp văn phòng TPL chậm thực hiện tống đạt, không thực hiện tống đạt sau đó trả lại cơ quan THA nhưng không thông báo cho cơ quan THA và CHV, gây ảnh hưởng đến việc tổ chức THA.
Ngoài ra, theo Cục THADS TP, nhận thức của nhiều cơ quan, chính quyền cơ sở và của nhiều cá nhân, cán bộ cơ sở về TPL còn mức độ, chưa nhận thức, đánh giá đầy đủ nên việc thực hiện chậm; một số cán bộ cơ sở, cơ quan tổ chức biết rất ít về TPL nên việc phối hợp, thực hiện còn hạn chế, nhất là các văn phòng đăng ký đất đai, các tổ chức tín dụng…