Triển vọng phục hồi của ngành hàng không
Kinhtedothi - Ngành hàng không bước vào năm mới Nhâm Dần 2022 với những tín hiệu không thể lạc quan hơn. Các đường bay quốc tế nối tiếp nhau được khôi phục lại; mạng lưới đường bay nội địa đã gần như được khôi phục hoàn toàn.
Những ngày đầu năm mới chứng kiến sự gia tăng đột biến lượng hành khách đi máy bay khiến cho nhiều chuyến bay “cháy vé”. Đây thực sự là những tín hiệu vô cùng tích cực, cho thấy ngành hàng không đã và đang trên con đường phục hồi mạnh mẽ sau gần 2 năm bị thiệt hại và khủng hoảng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.
Bay nội địa liên tục tăng tần suất
Thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong cao điểm Tết Nhâm Dần 2022, cả hai sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều liên tục đón số lượng hành khách tăng kỷ lục.
Đơn cử như ngày 4/2 (tức Mùng 4 Tết), sân bay quốc tế Nội Bài khai thác 332 chuyến bay với khoảng 48.000 khách; trong đó có tới 30.000 khách bay từ nhà ga Nội Bài và 18.000 khách đến.
Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất cũng đón lượng khách cao kỷ lục với 704 chuyến bay được khai thác, tương ứng với hơn 97.700 khách. Trong số này, có 324 chuyến bay đi từ ga quốc nội với hơn 36.700 khách; 323 chuyến bay đến với hơn 60.000 khách.
Những ngày sau đó, lượng hành khách qua hai sân bay này vẫn duy trì ở số lượng lớn. Đặc biệt, đến ngày 7/2 là ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, sân bay Nội Bài có tới 338 lượt/chuyến và 52.800 lượt khách qua lại sân bay (có 52.200 khách nội địa, trong đó 31.100 khách nội địa đi và 21.100 khách nội địa đến; 532 khách quốc tế). Còn sân bay Tân Sơn Nhất cũng phục vụ hơn 68.800 khách đi máy bay.
Để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, các hãng hàng không đã lập kế hoạch để tăng hơn 100 chuyến bay trong khoảng thời gian từ 6 - 12/2, trong đó chủ yếu ở chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và tăng cường bay đêm để san bớt tải cho những chuyến bay khung giờ ban ngày đã quá tải.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không khẳng định, sự gia tăng nhanh chóng lượng hành khách đi máy bay trong và sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 là tín hiệu rất đáng mừng của ngành hàng không. Điều này cho thấy hàng không đã thật sự phục hồi sau thời gian dài suy giảm bởi dịch bệnh.
“Hàng không phục hồi thường đi đôi với sự phục hồi của ngành du lịch và kéo theo sự phục hồi chung của cả nền kinh tế. Đây là những tín hiệu hết sức tốt lành trong những ngày đầu năm mới” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Theo chuyên gia hàng không này, sự phục hồi đang diễn ra của ngành hàng không thậm chí còn đến sớm và với mức độ cao hơn so với dự đoán của giới chuyên gia.
“Dịp Tết nhu cầu đi lại của người dân thường tăng cao nhưng sự gia tăng đột biến của lượng hành khách đi máy bay ngay trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022 là vượt xa dự đoán” – chuyên gia Nguyễn Thiện Tống cho biết và khẳng định, dù sự tăng đột biến về lượng hành khách đi máy bay chỉ mang tính thời điểm và sẽ không kéo dài nhưng điều này vẫn mang đến những tín hiệu rất tích cực cho ngành hàng không.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, đầu năm mới nhiều người thường đi du Xuân với gia đình. Đây là lý do khiến nhu cầu mua vé máy bay bất ngờ tăng cao. Cao điểm này sẽ chỉ diễn ra ít ngày rồi sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường nhưng điều này vẫn là tín hiệu đáng mừng của ngành hàng không. Đà suy thoái đã được chặn lại và giờ là lúc ngành hàng không phục hồi.
Bay quốc tế sắp khôi phục hoàn toàn
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước đối tác. Mục đích là để bàn bạc, thống nhất việc nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19, ngoài các thị trường đã được triển khai trong tháng 1/2022.
Theo nhận định của Cục Hàng không Việt Nam, đây là thời điểm thích hợp để tăng dần tần suất các chuyến bay quốc tế, bởi hiện nay, ngành hàng không nước ta đã sẵn sàng mọi mặt để khai thác toàn mạng bay quốc tế như trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát. Bởi vậy, nếu Việt Nam chậm trễ sẽ tự đánh mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa làm việc với nhà chức trách hàng không Thái Lan và phía nước bạn đã nhất trí mở lại đường hàng không và không hạn chế số lượng chuyến bay. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Trung Quốc, tất cả quốc gia mà Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý.
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, thời điểm này phải mở cửa và phát động lại thị trường để các hãng lên kế hoạch, phương án khai thác và có một tháng để bán vé máy bay. Vấn đề bây giờ là phải đẩy mạnh tiếp thị và hạn chế những vướng mắc, khó khăn về các điều kiện không cần thiết để khách du lịch vào Việt Nam.
Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế đánh giá, triển vọng phục hồi của ngành hàng không trong năm 2022 là rất sáng sủa. Điều này được thể hiện ngay từ những ngày đầu năm mới với những chuyến bay đông khách trong nước và những đường bay quốc tế liên tiếp được phục hồi.
“Theo dự báo, năm 2022 sẽ là thời điểm dịch Covid-19 được đẩy lùi. Ngay từ lúc này, các hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới đang dần sôi động trở lại. Ở nước ta, du lịch và hàng không cũng đang có dấu hiệu phục hồi rất tốt. Chúng ta hy vọng năm 2022 sẽ là năm vực dậy mạnh mẽ của nền kinh tế” – PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long cũng lưu ý rằng, đà phục hồi của ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà nước ta đang thực hiện. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh những hoạt động kinh doanh, sản xuất để phục hồi kinh tế cũng phải rất lưu tâm đến công tác phòng dịch.
“Hiện nay, các ca nhiễm Covid-19 vẫn rất cao nhưng cả nước đã dần quen với trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch bệnh rồi. Tuy nhiên vẫn phải theo sát tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn những kịch bản đối phó nếu dịch bệnh có diễn biến bất thường”.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long
Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 25/01/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại buổi kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Khẩn trương cấp phép cho hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam về nước
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 777/VPCP-QHQT ngày 31/1/2022 về giải pháp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Sân bay Nội Bài: Lượng khách tăng, hàng không gấp rút tăng chuyến
Kinhtedothi - Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, ngày hôm nay (6/2), Cảng HKQT Nội Bài dự kiến khai thác hơn 370 chuyến bay. Trong số này có 168 chuyến nội địa đi, 166 chuyến nội địa đến, 18 chuyến quốc tế đi và 20 chuyến quốc tế đến. Đáng chú ý, lượng khách nội địa đi từ cửa ngõ hàng không khu vực phía Bắc dự kiến lên tới 56.000 khách.