Khánh Hòa:
Ưu tiên đầu tư các dự án nghìn tỷ vào khu kinh tế Vân Phong
Kinhtedothi - Tại khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa sẽ ưu tiên đầu tư các dự án về du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn; sân bay, cảng biển với quy mô từ nghìn tỷ đồng đến vài chục ngìn tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng trong 6 tháng
Theo thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm 2023, Khánh Hòa đã tiếp đón và xúc tiến đầu tư tại chỗ nhiều đoàn khách đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào địa phương.
Đặc biệt là khu kinh tế Vân Phong trên nhiều lĩnh vực khác nhau như khu công nghiệp, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Sungroup, Công ty Flamingo Holding, Công ty CP SSI, Công ty CP Dầu khí Phương Đông, Công ty CP Shinec, Công ty CP Tân cảng Sài Gòn, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Tổng Công ty Sonadezi....
Theo đó, Khánh Hòa đã thu hút được 8 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 4.077,6 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án với tổng vốn đăng ký thêm 21.569,3 tỷ đồng
Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu từ năm 2023 vào ngày 2/4/2023, Khánh Hòa đã ký biên bản ghi nhớ với 16 nhà đầu tư chiến lược ở các lĩnh vực phát triển công nghệ, sản xuất phần mềm (chuyển đổi số), phát triển hạ tầng khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với tổng vốn đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua tỉnh này đã có 2 nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa và cơ chế chính sách đặc thù phát triển địa phương.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng gồm: quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Các nghị quyết và quy hoạch nói trên đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư cũng như việc huy động các nguồn vốn phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhằm đạt mục tiêu mà Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, đó là Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Ưu tiên các dự án nghìn tỷ
Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian tới, địa phương sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.
Trong đó, ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực dự án mà Việt Nam có lợi thế về các chính sách, biện pháp hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Cụ thể, thị trường trọng điểm thu hút đầu tư là các nhà đầu tư từ các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, các nước đối tác là thành viên của hiệp định CPTPP, EVFTA. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực, cỏ sức lan tỏa lớn.
Trong thời gian tới, tại khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa tập trung thu hút danh mục ngành, nghề ưu tiên như đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính sẽ thu hút các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Đối với lĩnh vực xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, mảng công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ thu hút các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, về lĩnh vực xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư tử 2.300 tỷ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
Một số dự án tiêu biểu có quy mô lớn như dự án phát triển khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn - Khải Lương tại xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) với quy mô 1.200 ha được Tập đoàn Sun Group quan tâm.
Dự án khu du lịch, dịch vụ và đô thị Tuần Lễ - Hòn Ngang, quy mô từ 600 - 1.300 ha tại xã Vạn Thạnh và Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) được Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn IPPG, Liên doanh No Va và Đất Tâm, Công ty CP FPT… quan tâm
Ngoài ra, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn IPPG và Công ty CP Sovico cũng quan tâm đến dự án khu đô thị sinh thái Cổ Mã Tu Bông có quy mô 2.100 ha tại xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh).
Tập đoàn Sumitomo, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Công ty Millennium Energy (Hoa Kỳ), Tập đoàn Eneos (Nhật Bản), Tập đoàn QuanTum (Hoa Kỳ), Tập đoàn J.Power (Nhật Bản), Công ty CP Tập đoàn Sovico, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang nhắm đến dự án Nhà máy điện khí và kho khí LNG với diện tích 100ha (tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa).
Bên cạnh đó, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên quan tâm đến dự án KCN Ninh Xuân với diện tích 1.200ha (tại xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa)…
Tuyến đường 1.000 tỷ đồng, cú hích để Khu kinh tế Vân Phong phát triển
Kinhtedothi - Đường giao thông từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn có chiều dài 14,3 km, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tuyến đường được kỳ vọng tạo cú hích trong thu hút đầu tư khu vực Bắc Vân Phong nói riêng và Khu kinh tế Vân Phong nói chung.
Khánh Hòa: Bố trí 116 ha đất tái định cư khu vực Bắc Vân Phong
Kinhtedothi – Ngày 19/6, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, tỉnh Khánh Hòa sẽ bố trí 116 ha đất tái định cư thuộc phân khu 08 - khu đô thị, du lịch Cổ Mã — Tu Bông, huyện Vạn Ninh thuộc khu vực Bắc Vân Phong – Khu kinh tế Vân Phong.
Triển khai quy hoạch 4 phân khu gần 29.000 ha tại Khu kinh tế Vân Phong
Kinhtedothi – 4 phân khu rộng gần 29.000 ha tại Khu kinh tế Vân Phong gồm: Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn; Khu du lịch núi Khải Lương; Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn và Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông vừa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.