Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ủy ban Kiểm tra TW tiến hành kiểm tra trách nhiệm của ông Võ Kim Cự

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đắk Lắk, Lạng Sơn và Vĩnh Long đã tiếp xúc cử tri để thông báo về kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh.

Ngày 30/11, các đại biểu: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Thị Kim Thúy, Ngô Thị Kim Yến, Võ Thị Như Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng đã có các buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, quận Thanh Khê.

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tới cử tri thành phố.

Đông đảo cử tri bày tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khi thông qua những quyết định quan trọng; trong đó, chủ trương dừng triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận được cử tri rất đồng tình.

 Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh trả lời ý kiến cử tri tại phường Hải Châu 2. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ ngày càng được nâng cao, mang lại niềm tin mới vào hoạt động của Quốc hội khóa XIV.

Cử tri đề nghị khi Quốc hội xây dựng luật, cần đề ra chế tài xử lý mạnh hơn đối với những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, chống hàng giả, hàng nhái; tăng cường thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương; mong muốn Quốc hội giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng khi trả lời chất vấn.

Một số ý kiến cử tri cho rằng những nội dung chất vấn được đổi mới và trọng tâm hơn. Cử tri đề nghị bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc lời hứa, không để đến cuối nhiệm kỳ lời hứa chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả; đồng thời kiến nghị Quốc hội quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tiếp thu và chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp và đề xuất tâm huyết của cử tri gửi đến Quốc hội.

Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội là thực hiện chức năng giám sát tối cao, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tăng cường thực hiện giám sát trách nhiệm và thực hiện các lời hứa của Chính phủ và các bộ, ngành.

Liên quan đến kiến nghị về trách nhiệm cá nhân của ông Võ Kim Cự, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, khi có kết quả sẽ công bố.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh khẳng định Đảng, Nhà nước luôn kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp, nhất là quy định hệ thống pháp luật ngày càng chặt chẽ, không để kẽ hở để cán bộ tham nhũng. Bên cạnh đó, tăng cường xử lý các vụ án tham nhũng và giám sát các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.

Chính phủ đã và đang tăng cường kiểm soát việc xây dựng, thẩm định việc xả thải đối với các dự án nhà máy sản xuất thép, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng.

Trong thời gian tới, trên cơ sở kiến nghị của cử tri thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương về thẩm định, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của nhà máy thép trên đầu nguồn sông Vu Gia.

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đề nghị thành phố kiểm tra và trả lời ý kiến của cử tri về tiến độ tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Hải Vân. Liên quan đến bảo vệ chủ quyền đất nước, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong 2 ngày 29, 30/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Krông Ana, Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đắk, Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ niềm tin, phấn khởi trước những kết quả mà kỳ họp của Quốc hội đã đạt được đồng thời kiến nghị với tỉnh Đắk Lắk cũng như Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa tới các gia đình chính sách, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Cử tri kiến nghị, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, nâng cấp hệ thống điện lưới quốc gia tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, quản lý tốt hơn nữa tài nguyên khoáng sản, xử lý nghiêm đối với các đối tượng khai thác cát bừa bãi.

Cử tri đề nghị tỉnh Đắk Lắk cũng như các Bộ, ngành Trung ương cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với việc hàng kém chất lượng, hàng giả, phân bón giả… Cử tri của các huyện Ea Súp, Krông Bông, Buôn Đôn, Lắk cũng kiến nghị tỉnh Đắk Lắk xem xét, sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, có chính sách hợp lý giải quyết viêc làm cho sinh viên mới ra trường…

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn do ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn làm Trưởng đoàn đã tiếp xúc cử tri xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn và xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn trong 2 ngày 29 và 30/11.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nêu lên những ý kiến, nguyện vọng như: đề nghị Đảng, Nhà nước nghiêm khắc hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, đưa những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn; giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng…

Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị cần quan tâm hơn nữa việc sớm hoàn thiện hệ thống lưới điện trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; có những chính sách thiết thực hơn đối với các hộ nghèo; tăng mức phụ cấp, ưu đãi đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã; đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục nâng cao trình độ y, bác sĩ tuyến xã, góp phần đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.

Từ ngày 28-30/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức tiếp xúc cử tri tại 15 xã, phường, thị trấn của 8 huyện thị, thành phố của tỉnh. Cử tri tỉnh Vĩnh Long bày tỏ niềm tin, phấn khởi trước những kết quả mà kỳ họp của Quốc hội đã đạt được. Cử tri ấn tượng với phần chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu với các thành viên của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đánh giá đây một trong những đổi mới, tiến bộ của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, cử tri cũng đề nghị Quốc hội cần dành nhiều thời gian hơn cho nội dung này, nhất là phần trả lời những vấn đề đang được đại biểu và nhân dân quan tâm.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri quan tâm nhiều về tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường biển cần được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ hơn; thực hiện tinh giảm biên chế bộ máy nhà nước để không cồng kềnh, chồng chéo; xem xét, giải quyết những bất cập trong xét hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; đẩy mạnh tạo việc làm cho người lao động để thoát nghèo bền vững…

Cử tri mong muốn các bộ, ngành có liên quan và địa phương quan tâm hơn nữa việc xây dựng thương hiệu lúa gạo, đảm bảo đầu ra cho nông sản với giá cả ổn định, giúp nông dân an tâm sản xuất; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống hàng gian, hàng giả, thực phẩm bẩn; có biện pháp xử lý triệt để tình trạng phân bón, vật tư kém chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân. Cử tri tỉnh Vĩnh Long đề nghị Đảng, Nhà nước có biện pháp mạnh mẽ, đủ sức răn đe và xử lý triệt để nạn tham nhũng./.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ