Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Văn hóa phi vật thể: Vui ở nội thị, buồn chốn làng quê

Kinhtedothi - Tìm cách để quảng bá và tạo nhiều điều kiện, cơ hội hơn cho nghệ thuật diễn xướng cổ truyền khu vực ngoại thành Hà Nội có dịp xuất hiện, tỏa sáng là việc cần làm hiện nay và cần những cơ chế đầu tư, thúc đẩy của TP.

Nhiều di sản độc đáo ở các xã, huyện ngoại thành, có thể đóng góp cho du lịch, hoạt động văn hóa Thủ đô thêm sinh động, đặc biệt là đóng góp cho chính các nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng trong việc lưu truyền những di sản đó.

Nội thành sôi nổi

Đời sống văn hóa khu trung tâm TP Hà Nội nhiều năm qua thêm đa dạng bằng nhiều môn nghệ thuật cổ truyền. Từ sự vận động mạnh dạn của các đơn vị nghệ thuật, cho đến những hoạt động mới của ngành văn hóa, chính quyền địa phương và một số đơn vị trên địa bàn, có thể thấy, các chương trình, tiết mục diễn xướng nghệ thuật cổ truyền đã hiện diện thường xuyên trong các hoạt động du lịch, biểu diễn nghệ thuật quy mô sân khấu nhỏ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…

Điều này được chứng minh bằng niềm vui sáng đèn liên tục của Nhà hát Múa rối Thăng Long nhiều năm qua. Đây là đơn vị sớm và bền bỉ nhất đến nay trong việc kết nối nghệ thuật rối nước với du lịch. Tổ chức kỷ lục châu Á từng xác lập kỷ lục cho Nhà hát Múa rối Thăng Long là: “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”. Trong một không gian nhỏ, không tiện bãi đỗ xe, nhưng Múa rối Thăng Long vẫn là điểm đến du khách muốn quay lại và đơn vị khác nhìn vào thán phục.

Biểu diễn ca trù tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Công Hùng

Nội thành không chỉ có các nhà hát cố định. Trên không gian phố đi bộ quanh Hồ Gươm và các con phố cổ, tiếng chèo, hát chầu văn, xẩm, quan họ… cũng âm vang. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) bền bỉ hàng chục năm với sân khấu chợ đêm Đồng Xuân vào những tối cuối tuần, phục vụ du khách, công chúng đến với phố đi bộ. Hơn một năm phố đi bộ quanh Hồ Gươm đi vào hoạt động, khu vực đền Lê Thái Tổ trở thành một địa điểm biểu diễn nhiều bộ môn nghệ thuật cổ truyền như chèo, quan họ, xẩm… Cùng với đó, không thể không nhắc đến sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội của chèo, tuồng, ca trù… với cái tên chung là Nhóm Đông Kinh cổ nhạc trong những buổi biểu diễn tại Trung tâm văn hóa phố cổ Hà Nội – phố Đào Duy Từ, gây được nhiều ấn tượng tốt thời gian qua. Thêm các chương trình biểu diễn ca trù có sự tham gia của CLB ca trù Hà Nội, giáo phường ca trù Thăng Long ở đền Kim Ngân – phố Hàng Bạc, Ngôi nhà di sản phố Mã Mây. Rồi sự khởi sắc sau những nỗ lực bền bỉ của nhóm Xẩm Hà thành với việc tham gia vào các sân khấu diễn xướng khu vực phố đi bộ hoặc một số di tích trong phố cổ.

Nhìn lại, cũng phải mất hàng chục năm, khu trung tâm Hà Nội, mà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mới có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ và bộ môn nghệ thuật cổ truyền trên. Khi chúng ta đón nhận nhiều sắc màu, thanh âm phố cổ, thì đồng thời cũng nhận thấy một sự chênh lệch không hề nhỏ giữa khu vực này với các địa bàn ngoại thành, cả về sự khởi sắc của nghệ thuật cổ truyền, lẫn những điều kiện dành cho nó.

Ngoại thành im ắng

Nghệ thuật diễn xướng cổ truyền Hà Nội có mặt trên nhiều địa bàn huyện, xã của TP và đã khẳng định những đóng góp lâu bền vào đời sống cộng đồng, làm nên diện mạo văn hóa, nghệ thuật dân gian đặc sắc của cộng đồng làng xã. Đó là các di sản độc đáo như rối nước các làng xã Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá của huyện Thạch Thất, Đào Thục của huyện Đông Anh, hát Dô ở Liệp Tuyết – Quốc Oai, hát chèo tàu ở Tân Hội - Đan Phượng, diễn xướng cồng chiêng Mường ở Ba Vì, rồi dân ca dân tộc Dao, truyền thống chèo xứ Đoài, dân ca Hà Tây cũ, phong trào diễn tuồng đã thành truyền thống ở một số xã thuộc huyện Đông Anh hay xã Dương Cốc – huyện Quốc Oai, hoặc rối cạn ở Tế Tiêu – Mỹ Đức… Gần đây lại có sự xuất hiện của nghệ thuật rối nước tại xã Sài Sơn – Quốc Oai, tiếp nối truyền thống múa rối nước tương truyền được khởi lên từ nơi này với truyền thuyết về đức Từ Đạo Hạnh. Bên cạnh đó, phải kể đến ca trù ở Lỗ Khê – Đông Anh, Đồng Trữ - Chương Mỹ và Chanh Thôn – Phú Xuyên, Ngãi Cầu – Hoài Đức và hò cửa đình Phú Nhiêu – Phú Xuyên… Và không thể không nhắc đến những điệu múa cổ truyền như múa rồng, múa bồng, múa sắp chữ, múa bài bông… ở nhiều làng xã vốn được biết đến qua những nỗ lực khảo sát, nghiên cứu, giới thiệu của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội.

Vậy nhưng, việc tôn vinh, quảng bá, tạo điều kiện để các di sản nghệ thuật diễn xướng cổ truyền này khởi sắc trong sự trao truyền, tiếp nối, trình diễn thì vẫn còn những khoảng trống. Những di sản nghệ thuật này được lưu giữ bằng sự cố gắng của các câu lạc bộ, nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng, quần chúng Nhân dân ở các vùng nông thôn Hà Nội. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì nghệ thuật diễn xướng cổ truyền Thủ đô lại khuyết đi phần lan tỏa qua các hoạt động du lịch. Không có các tour du lịch sinh thái – văn hóa nghệ thuật nông thôn để đưa du khách về tận nơi. Nghệ thuật diễn xướng cổ truyền từ các huyện cũng khó hoặc quá ít cơ hội góp mặt vào các hoạt động biểu diễn ở khu vực trung tâm. Với dân cư sở tại, hàng năm các di sản đó chỉ có một số ít dịp xuất hiện như ngày lễ hội, kỷ niệm.

Giúp di sản sáng hơn

Có lẽ, TP Hà Nội cần có nhiều hơn mối quan tâm, hỗ trợ cho các di sản độc đáo của mình, thông qua sự trợ giúp về cơ sở vật chất, phương tiện, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng để tập luyện, truyền dạy trong các câu lạc bộ, các nhóm, trong cộng đồng. Bên cạnh đó, rất nên bắt tay vào nghiên cứu xây dựng các tour du lịch trải nghiệm với đời sống văn hóa xã hội nông thôn, có tiếp cận, thưởng thức nghệ thuật diễn xướng cổ truyền.

TP đã có Bảo tàng Hà Nội với chức năng bảo tồn, giới thiệu những tinh hoa văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Nhưng xem ra, bên cạnh những khó khăn, hạn chế đối với hệ thống hiện vật, trưng bày, thì vấn đề lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể thông qua trình diễn, xây dựng hệ thống dữ liệu hình ảnh, âm thanh về nghệ thuật diễn xướng cổ truyền Hà Nội cũng còn hạn chế. Mới chỉ thực hiện mang tính “thời vụ” khi có sự kiện.

Có thể ngẫm để thấy còn nhiều trống vắng trong việc ứng xử với những di sản trên. Như thực trạng chúng có vị trí như thế nào và được giới thiệu ở mức độ nào tại các phòng truyền thống của địa phương cấp huyện. Chúng có được tính đến không trong một số chương trình dã ngoại tìm hiểu lịch sử, văn hóa quê hương của các trường phổ thông trên địa bàn. Những suy nghĩ đó, đồng thời cũng là gợi ý về cơ chế, cách làm của TP và các địa phương, ngành văn hóa, du lịch, giáo dục Hà Nội nhằm nâng niu, tôn vinh hơn di sản của mình. Không làm tốt những việc đó, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tự cắt đi hoặc làm mỏng hẹp lại sự kết nối của hiện tại với một phần nền tảng, giá trị văn hóa, nhân văn trong lịch sử nghìn năm văn hiến.

Trong sự khó khăn chung của ngành du lịch và các đơn vị nghệ thuật, năm 2017, Nhà hát vẫn cố gắng duy trì 5 buổi diễn/ngày. Dù không có thế mạnh về rối cạn, vì không có địa điểm biểu diễn, nhưng các nghệ sĩ vẫn không ngại khó thuê địa điểm tập luyện, dàn dựng các tiết mục múa rối cạn mới.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ