VEPR dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt khoảng cận dưới mục tiêu 6% năm nay
Kinhtedothi - Ngày 17/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Đối thoại chính sách: ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định”.
Chương trình nhằm nhận diện những vấn đề lớn đang tác động đến mục tiêu ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Đồng thời, kiến nghị các chính sách để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra.
Báo cáo quý I “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024: giữ vững vĩ mô, tạo đà hồi phục”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cho biết, nhìn lại những con số kinh tế gần 5 tháng qua cho thấy nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi khi thị trường xuất khẩu có nhiều khởi sắc, đơn hàng doanh nghiệp (DN) tăng.
Về kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm, báo cáo của VEPR tập trung đánh giá một số điểm nổi bật, nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng chú ý, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp, với kim ngạch xuất khẩu đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế duy trì xuất siêu 8,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng đầu năm khá tích cực, 4 tháng qua ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp xây dựng cũng có nhiều dấu hiệu cải thiện, khi tăng trưởng 6,28%, đóng góp 41,68% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế trong quý I/2024.
Tuy nhiên, VEPR cũng cho rằng, vẫn còn những yếu tố khiến sự phục hồi kinh tế năm 2024 của Việt Nam chưa thực sự bền vững, nhất là khi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, với số DN rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số DN thành lập mới.
Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua, cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ DN. Cạnh đó, một số yếu tố rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô cũng được báo cáo chỉ ra là tỷ giá, giá vàng và bong bóng tài sản có thể tăng áp lực lạm phát trong năm nay.
Đặc biệt, nền kinh tế cũng phải đối diện với các thách thức như trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed làm giảm xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu và sản xuất của Việt Nam; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về nhân lực, công nghệ và vốn...
"Đối chiếu giữa dự báo hàng năm của các tổ chức quốc tế cùng với tình hình kinh tế trong nước, VEPR thận trọng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong khoảng cận dưới mục tiêu là 6%" – tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nói.
Trong thời gian tới, VEPR cho rằng, tăng trưởng kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Việc giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các DN phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các DN hoạt động hiệu quả hơn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian này.
Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, VEPR khuyến nghị Nhà nước thực hiện một số giải pháp về tăng cường giải ngân đầu tư công; ưu tiên chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN; thêm chính sách để kích cầu tiêu dùng; đảm bảo hài hoà, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho DN nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung…
Bên cạnh đó, cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm, dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Thực thi hiệu quả các FTA, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Kinhtedothi - Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 - 7%/năm.
Thương hiệu ngân hàng tăng trưởng nhanh và được yêu thích trong năm 2023
Kinhtedothi - Vừa qua, trong khuôn khổ Lễ công bố “Top 30 thương hiệu ngân hàng Việt Nam năm 2023” do Mibrand tổ chức, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã chính thức được “xướng tên” trong TOP 8 các thương hiệu ngân hàng tư nhân mạnh nhất năm 2023, cùng hàng loạt các giải thưởng danh giá khác.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Hướng tới tăng trưởng bền vững
Kinhtedothi-Trong thời đại mà môi trường tự nhiên đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và khi sự phát triển kinh tế cần được thúc đẩy một cách bền vững, việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và số hóa đã trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi.