Vì sao MSB "lỡ hẹn" bán công ty tài chính cho đối tác Nhật?
Kinhtedothi - Năm 2021, MSB đã làm việc với đối tác Nhật về việc thoái vốn tại FCCOM giai đoạn đầu, giá trị thương vụ trên 2.000 tỷ. Tuy nhiên, do đại dịch, các công ty tài chính phát sinh nhiều nợ quá hạn nên đối tác Nhật đã xem xét lại.
Tiếp tục tìm kiếm đối tác
Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022.
Một tờ trình quan trọng được đưa ra lấy ý kiến cổ đông là việc thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH Một thành viên Cộng đồng (FCCOM) - vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ của FCCOM là 358 tỷ đồng, doanh thu đạt 151 tỷ đồng trong năm. Lợi nhuận trước thuế là 1,97 tỷ đồng, lãi sau thuế là 0,98 tỷ đồng.
Về kế hoạch bán vốn tại FCCOM, cổ đông thắc mắc: “Vào cuối năm 2021, MSB cho biết đã tiến hành thương thảo và bán FCCOM với giá trị thương vụ rơi vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó lại có thông tin hợp vốn FCCOM vào MSB. Hai thông tin này có gì khác nhau hay không?”.
Trả lời câu hỏi này, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trong năm 2021, ĐHCĐ và HĐQT đã thông qua việc thoái vốn tại FCCOM. Ở thời điểm đó, MSB đã làm việc với đối tác của Nhật giai đoạn đầu với giá trị thương vụ trên 2.000 tỷ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, các công ty tài chính bị phát sinh nhiều nợ quá hạn. Đối tác Nhật đã xem xét lại việc mua lại. “Hiện tại, MSB đã tiếp xúc với 2 đối tác nước ngoài. Họ đã có thư quan tâm và giá trị thương vụ dự kiến cũng không khác nhiều so với đối tác Nhật dự kiến trả cho MSB” - ông Linh cho hay.
Nói về lý do tiếp tục đề xuất bán trong năm 2022, HĐQT MSB cho hay, các công ty tài chính tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Để có được lợi nhuận tốt và phát triển bền vững, các công ty tài chính cần có sự đầu tư lớn về quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm, đầu tư công nghệ, con người… Trên cơ sở hoạt động của FCCOM trong những năm gần đây, để phát triển tốt, kinh doanh hiệu quả và tạo vị thế trên thị trường nhiều thách thức, MSB đề xuất với cổ đông chuyển nhượng một phần vốn tại FCCOM để cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược, hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại FCCOM để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư cho dự án “Nhà máy số”
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến tăng 14%. Huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 15% so với năm trước. Dư nợ tín dụng tăng 25%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Trong năm nay, ngân hàng tập trung vào 5 chiến lược chính bao gồm: Khai thác chuỗi và hệ sinh thái, thấu hiểu khách hàng, tinh gọn và số hoá, nâng cao hiệu suất bán hàng, ứng dụng big data và phân tích tính năng cao.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, với lợi nhuận hợp nhất 5.088 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trích 5% quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% quỹ dự phòng tài chính. Tỷ lệ chia cổ tức theo tờ trình của hội đồng quản trị.
Dự án "Nhà máy số" của ngân hàng được đầu tư với nguồn ngân sách 2.000 tỷ đồng cho đến 2025, trong đó dự kiến giai đoạn 2021 - 2022 đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
Ban điều hành MSB cũng nhấn mạnh, MSB không có bất kỳ dư nợ nào đối với FLC tính đến thời điểm này, kể cả một số tên tuổi khác như Tân Hoàng Minh cũng không có.